Chế độ khi bị buộc thôi việc đối với người lao động

Ngày đăng: 15:18 - 29/08/2022 Lượt xem: 8518 Cỡ chữ

   Chế độ khi bị buộc thôi việc đối với người lao động gồm những gì? Mặc dù bị thôi việc là một trong những mức xử lý kỷ luật cao nhất của đơn vị, doanh nghiệp. Tuy nhiên, pháp luật vẫn có những chế độ nhất định cho người lao động trong trường hợp này mà nhiều lao động không biết hoặc bỏ qua quyền lợi của mình. 

chế độ lao động

Chế độ khi bị buộc thôi việc.

1. Các trường hợp người lao động bị buộc thôi việc 

Có rất nhiều các trường hợp mà đơn vị, doanh nghiệp áp dụng hình thức buộc thôi việc (hay sa thải) đối với người lao động (NLĐ). Trường hợp buộc thôi việc đối với công chức, viên chức hay NLĐ tại doanh nghiệp sẽ khác nhau. 

1.1 Một số trường hợp buộc thôi việc của công chức, viên chức 

Một số trường hợp công chức có hành vi vi phạm bị buộc thôi việc như: 

  • Tái phạm hành vi vi phạm mà đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với công chức/ viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc hạ bậc lương 

  • Công chức có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng;

  • Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị;

  • Có kết luận của cơ sở y tế hoặc thông báo của cơ quan có thẩm quyền về việc nghiện ma túy;

  • Công chức/ viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có hành vi vi phạm lần đầu không thực hiện đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ quản lý, điều hành theo sự phân công.

  • Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong phạm vi phụ trách mà không có biện pháp ngăn chặn.

1.2 Một số trường hợp buộc thôi việc của người lao động tại doanh nghiệp 

Tại Điều 125, Bộ luật lao động 2019 ban hành ngày 20/11/2019 quy định hình thức xử lý buộc thôi việc (kỷ luật sa thải) được người sử dụng lao động áp dụng trong các trường hợp:

  • Trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy tại nơi làm việc;

  • Tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động hoặc 

  • Quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động;

  • Tái phạm hành vi vi phạm trước đó mà đã bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương hoặc cách chức; 

  • Tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong thời hạn 30 ngày sẽ bị buộc thôi việc.

  • NLĐ tự ý bỏ việc 20 ngày cộng dồn trong thời hạn 365 ngày tính từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đán

2. Chế độ khi bị buộc thôi việc đối với người lao động

Trong trường hợp bị thôi việc người lao động vẫn có thể được hưởng các chế độ sau nếu đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. 

lao động thôi việc 2

Nhận trợ cấp thất nghiệp khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định.

2.1 Chế độ nhận trợ cấp thất nghiệp 

Để được nhận trợ cấp thất nghiệp người lao động bị buộc thôi việc sẽ phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại điều 49, Luật việc Làm gồm có:

  • Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc. Hoặc đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động;

  • Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định;

  • Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp trừ các trường hợp: chết, bị tạm giam, đi học trên 12 tháng, đi nghĩa vụ quân sự/ nghĩa vụ công an, đưa vào trường giáo dưỡng.

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng được tính bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp. Tuy nhiên mức hưởng này tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với NLĐ thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng BHTN theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

2.2 Chế độ được hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề

Bên cạnh việc nhận trợ cấp thất nghiệp người lao động đáp ứng điều kiện quy định tại Khoản 1, Điều 43, Luật Việc làm đang đóng bảo hiểm thất nghiệp bị chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc mà có nhu cầu tìm kiếm việc làm được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí.

Người lao động bị buộc thôi việc còn có thể được hỗ trợ học nghề khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều 55, Luật Việc làm. Cụ thể:

  • Thuộc đối tượng quy định tại Khoản 1, Điều 43 của Luật Việc làm 

  • NLĐ có đủ các điều kiện gồm: đã chấm dứt HĐLĐ, đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng BHTN. 

2.3 Trách nhiệm của người sử dụng lao động

Bên cạnh việc có thể nhận trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp thì NLĐ bị buộc thôi việc còn được hưởng các quyền lợi theo quy định của Điều 47, Bộ luật lao động 2019. Theo đó, sau khi chấm dứt hợp đồng với NLĐ thì người sử dụng lao động có trách nhiệm sau:

  • Trong thời hạn 14 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ hoặc HĐLV thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của NLĐ. Trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.

  • Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động;

  • Cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu do người sử dụng lao động trả.

Chế độ khi bị buộc thôi việc đối với người lao động bị thôi việc đa số sẽ đến từ việc tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Người lao động khi bị buộc thôi việc cần lưu ý để đảm bảo quyền lợi của mình và trong thời gian chưa tìm được công việc mới có thể làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Các tin tức liên quan:

Tin tức cùng chuyên mục