Sau khi nộp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH thì bao lâu NLĐ nhận được tiền?

Ngày đăng: 08:51 - 03/06/2022 Lượt xem: 16822 Cỡ chữ

   Giấy nghỉ việc hưởng BHXH là giấy tờ quan trọng và là căn cứ giải quyết chế độ ốm đau cho người lao động điều trị tại nhà. Vậy sau khi nộp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH thì bao lâu người lao động nhận được tiền. Người lao động tham khảo các thông tin sau để làm thủ tục hưởng chế độ ốm đau của BHXH.

giấy chứng nhận 1

Thời hạn nhận tiền sau khi nộp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.

1. Xin giấy nghỉ việc hưởng BHXH ở đâu?

Theo quy định hiện hành về giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH tại Thông tư 56/2017/TT-BYT, giấy tờ này được cấp bởi các cơ sở y tế có thẩm quyền đã thực hiện khám, chữa bệnh cho người lao động thì mới đảm bảo hợp lệ.

Cụ thể, giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH được cấp phải đáp ứng các yêu cầu:

  • Cấp bởi cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) đã được cấp phép hoạt động và người hành nghề, có quyền ký vào Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH phải theo sự phân công của người đứng đầu tại cơ sở KCB đó.

  • Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH phải phù hợp với phạm vi về chuyên môn khám, chữa bệnh của cơ sở KCB đó và đã được phê duyệt bởi cơ quan có thẩm quyền.

  • Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH được cấp phải đúng với tình trạng sức khỏe của người bệnh và hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.

2. Đã nộp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH sau bao lâu nhận được tiền?

Theo quy định để được thanh toán chế độ ốm đau đối người lao động điều trị tại nhà, người lao động phải nộp giấy nghỉ việc hưởng BHXH cho doanh nghiệp. Cụ thể, theo Điều 102, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, thời hạn nộp giấy nghỉ việc hưởng BHXH cho doanh nghiệp tối đa là 45 ngày kể từ ngày người lao động quay trở lại làm việc.

Sau khi tiếp nhận giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, doanh nghiệp cần chuẩn bị hồ sơ thêm Danh sách đề nghị giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, danh sách phục hồi sức khỏe: mẫu số 01B-HSB và nộp tất cả giấy tờ cho cơ quan BHXH nơi đang đóng BHXH.

Thời hạn nộp hồ sơ: Tối đa 10 ngày kể từ ngày tiếp nhận giấy tờ của người lao động.

Nếu hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, kể từ ngày hồ sơ được gửi đến cơ quan BHXH, cơ quan này sẽ giải quyết chế độ cho người lao động trong vòng 06 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ. 

Như vậy, kể từ khi nộp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cho doanh nghiệp thì sau khoảng 16 ngày, người lao động sẽ nhận được tiền chi trả cho chế độ ốm đau.

giấy chứng nhận 2

Thời hạn nhận tiền sau khi nộp hồ sơ giải quyết chế độ ốm đau khoảng 16 ngày.

3. Quy định khi cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH

Khi xin Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, người lao động và đơn vị sử dụng lao động cần lưu ý một số quy định:

  • Mỗi lần khám sẽ chỉ được cấp một Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.

  • Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH chỉ được cấp cho khoảng thời gian nghỉ tối đa 30 ngày.

  • Trường hợp nghỉ dài hơn 30 ngày, khi hết hoặc sắp hết thời gian trên Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH đã cấp thì người bệnh phải tái khám để được chẩn đoán tình trạng sức khỏe, xem xét và đưa ra quyết định.

  • Trường hợp trong cùng một thời gian, người lao động được cấp nhiều Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH tại các cơ sở khác nhau thì chỉ được sử dụng Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH có thời gian nghỉ dài nhất.

  • Trong cùng 1 ngày người lao động khám nhiều chuyên khoa tại cùng một cơ sở KCB thì được cấp một Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH do chuyên khoa cuối cùng hoặc chuyên khoa có thời gian nghỉ dài nhất.

giấy chứng nhận 2

Một số quy định về Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.

4. Quy định về chữ ký và dấu trên Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH

Không phải Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH nào cũng hợp lệ. Vì vậy, người lao động cần lưu ý về người có thẩm quyền ký và dấu trên Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, cụ thể như sau:

  • Người hành nghề KCB là y, bác sĩ làm việc tại các cơ sở KCB được cấp giấy phép hoạt động được phép ký Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. 

  • Trường hợp cơ sở KCB không phải là pháp nhân thì người hành nghề phải đăng ký mẫu chữ ký với cơ quan BHXH.

  • Trường hợp người đứng đầu cơ sở KCB hoặc người được ủy quyền đồng thời là người KCB thì người đó chỉ cần ký giấy và đóng dấu ở phần “Xác nhận của thủ trưởng đơn vị” và không phải ký tên ở phần y, bác sĩ KCB nhưng vẫn phải ghi đầy đủ ngày, tháng, năm cấp.

Về dấu trên Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, người lao động cần lưu ý:

  • Dấu trên giấy Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH phải là mẫu dấu pháp nhân của cơ sở KCB được đăng ký với cơ quan BHXH, không yêu cầu về hình dạng mẫu dấu.

  • Tuy nhiên, mẫu dấu của các Chuyên khoa trong cơ sở KCB không phải là mẫu dấu pháp nhân của cơ sở KCB và không đủ điều kiện xác nhận tính hợp lệ cho Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.

Trên đây Thái Sơn đã đưa ra thông tin giải đáp vấn đề thời hạn nhận tiền chế độ sau khi nộp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Người lao động và đơn vị cần lưu ý khi làm thủ tục giải quyết chế độ ốm đau.

>>> Tin liên quan:

Tin tức cùng chuyên mục