Mức phạt vi phạm hợp đồng thương mại và mối quan hệ với các chế tài khác

Ngày đăng: 09:51 - 19/11/2024 Lượt xem: 2034 Cỡ chữ

Trong các giao dịch thương mại, không phải lúc nào các bên tham gia hợp đồng cũng tuân thủ đầy đủ các thỏa thuận, dẫn đến những vi phạm hợp đồng. Để xử lý những vi phạm này, pháp luật thương mại đã quy định nhiều chế tài khác nhau, trong đó phạt vi phạm hợp đồng thương mại là một biện pháp phổ biến. Bài viết này sẽ phân tích quy định về mức phạt vi phạm hợp đồng thương mại theo Luật thương mại mới nhất và mối quan hệ của nó với các chế tài khác.

Tìm hiểu chung về phạt vi phạm hợp đồng thương mại

1. Tổng quan về chế tài phạt vi phạm hợp đồng thương mại

a) Phạt vi phạm hợp đồng thương mại là gì?

Căn cứ Điều 292, Luật thương mại 2005, có 6 loại chế tài trong thương mại chính, bao gồm: Tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng, buộc thực hiện đúng hợp đồng, buộc bồi thường thiệt hại, phạt vi phạm hợp đồng thương mại và một số biện pháp khác do các bên tham gia hợp đồng thương mại thỏa thuận. Như vậy, phạt vi phạm hợp đồng là một trong các loại chế tài trong thương mại.

Theo Điều 300, Luật thương mại 2005, phạt vi phạm hợp đồng thương mại là việc bên bị vi phạm yêu cầu được trả một khoản tiền phạt từ bên vi phạm do vi phạm thỏa thuận trong hợp đồng. Các trường hợp ngoại trừ, được miễn trách nhiệm với các hành vi vi phạm được quy định tại Điều 294.

b) Các trường hợp được miễn trách nhiệm vi phạm hợp đồng thương mại

Căn cứ Điều 294, Luật thương mại 2005, có bốn (04) trường hợp không bị phạt vi phạm hợp đồng thương mại do được miễn trách nhiệm, bao gồm:

  • Khi xảy ra tình huống miễn trách nhiệm đã được các bên thỏa thuận từ trước.

  • Khi xuất hiện sự kiện bất khả kháng.

  • Khi hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi từ phía bên còn lại.

  • Khi vi phạm xảy ra do việc thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết trước tại thời điểm ký kết hợp đồng.

Bên vi phạm hợp đồng thương mại có nghĩa vụ chứng minh các  trường hợp miễn trách nhiệm nêu trên.

c) Quy định về việc thông báo khi bên vi phạm hợp đồng thương mại được miễn trách nhiệm

Bên cạnh đó, nếu bên vi phạm hợp đồng trong trường hợp được miễn trách nhiệm phải có nghĩa vụ thông báo với bên bị vi phạm theo quy định tại Điều 295, Luật thương mại 2005 như sau:

  • Bên vi phạm hợp đồng thương mại phải thông báo ngay cho bên kia (bằng văn bản) về trường hợp được miễn trách nhiệm và những hậu quả có thể xảy ra.

  • Khi việc miễn trách nhiệm chấm dứt, bên vi phạm hợp đồng thương mại phải thông báo luôn cho bên còn lại. Nếu bên vi phạm không thông báo hoặc thông báo không kịp thời thì phải bồi thường thiệt hại cho bên kia.

Mức phạt vi phạm hợp đồng mới nhất

2. Mức phạt vi phạm hợp đồng thương mại

Điều 301, Luật thương mại 2005, mức phạt vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thỏa thuận trong hợp đồng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm. Ngoại trừ các trường hợp đặc biệt do kết quả giám định sai được quy định tại Điều 266 của Luật này.


Cụ thể, theo Điều 266, Luật thương mại 2005, trong trường hợp kết quả giám định sai thì việc phạt vi phạm hợp đồng thương mại được quy định như sau:

  • Nếu bên kinh doanh dịch vụ giám định vô ý cấp chứng thư giám định sai kết quả thì phải trả tiền phạt cho khách hàng (các bên tham gia hợp đồng). Mức phạt do các bên thỏa thuận, nhưng chỉ được bằng hoặc thấp hơn mười lần khoản tiền đã trả cho dịch vụ giám định.

  • Nếu bên kinh doanh dịch vụ giám định cố ý cấp chứng thư giám định sai kết quả thì phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho khách hàng (người trực tiếp yêu cầu giám định).

  • Khách hàng bị giám định sai kết quả có nghĩa vụ chứng minh kết quả giám định bị sai và chứng minh lỗi thuộc về thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định.

3. Một số trường hợp vi phạm hợp đồng thương mại cụ thể

Các chế tài như buộc thực hiện đúng hợp đồng, bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm hợp đồng thương mại là các chế tài có mối quan hệ ràng buộc lẫn nhau.

3.1 Quan hệ giữa chế tài phạt vi phạm hợp đồng và buộc thực hiện đúng hợp đồng

Theo Điều 299, Luật thương mại 2005, việc áp dụng chế tài phạt vi phạm hợp đồng thương mại và buộc thực hiện đúng hợp đồng được quy định như sau:

  • Chế tài phạt vi phạm hợp đồng thương mại và chế tài buộc bồi thường thiệt hại có thể áp dụng cùng lúc khi đang áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng, đồng thời không được áp dụng các chế tài khác, trừ khi các bên có thỏa thuận khác.

  • Trường hợp bên vi phạm hợp đồng thương mại không thực hiện chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng trong thời hạn mà bên bị vi phạm ấn định, bên bị vi phạm hợp đồng được áp dụng các chế tài khác như yêu cầu tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng, buộc bồi thường thiệt hại, phạt vi phạm hợp đồng thương mại… để bảo vệ quyền lợi của mình một cách chính đáng.

3.2 Quan hệ giữa chế tài phạt vi phạm và chế tài bồi thường thiệt hại

Điều 307, Luật thương mại 2005, mối quan hệ giữa chế tài phạt vi phạm và chế tài bồi thường thiệt hại:

  • Nếu các bên không trong hợp đồng thương mại không có thỏa thuận về việc phạt vi phạm thì bên bị vi phạm chỉ có quyền yêu cầu bên kia bồi thường thiệt hại, mà không được áp dụng các chế tài khác (trừ khi pháp luật có quy định khác).

  • Trường hợp các bên có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng đồng thời cả chế tài phạt vi phạm và chế tài buộc bồi thường thiệt hại (trừ khi pháp luật có quy định khác).


Như vậy, chế tài phạt vi phạm hợp đồng thương mại không chỉ là công cụ bảo vệ quyền lợi của bên bị vi phạm, mà còn là biện pháp răn đe, đảm bảo sự tuân thủ nghiêm ngặt các thỏa thuận hợp đồng. Việc hiểu rõ và áp dụng đúng những quy định này sẽ giúp các bên giảm thiểu rủi ro và nâng cao tính hiệu quả trong việc giao kết các hợp đồng thương mại. Tham khảo nhiều thông tin tại https://thaison.vn/.

Tin tức cùng chuyên mục