Chậm báo tăng, giảm lao động có bị phạt không?

Ngày đăng: 15:42 - 29/07/2022 Lượt xem: 10430 Cỡ chữ

Chậm báo tăng, giảm lao động có bị phạt không? Trường hợp bị phạt thì mức phạt là bao nhiêu? là thắc mắc được quan tâm rất nhiều trên hội nhóm, diễn đàn về quản lý doanh nghiệp và giải đáp thông tin bảo hiểm xã hội. Bài viết này sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn để tránh gây rắc rối và thiệt hại cho doanh nghiệp.

chậm báo lao động 1

Thông tin về chậm báo tăng, giảm lao động có bị phạt không.

1. Quy định về báo tăng giảm lao động

Căn cứ theo Khoản 1, Điều 98, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định như sau:

“Người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản với cơ quan bảo hiểm xã hội khi có thay đổi thông tin tham gia bảo hiểm xã hội”

Theo đó, khi có biến động tăng, giảm lao động tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH) trong đơn vị, doanh nghiệp thì đơn vị, doanh nghiệp có trách nhiệm báo lên cơ quan BHXH.

Một số trường hợp doanh nghiệp phải báo tăng lao động: 

  • Doanh nghiệp có nhân sự mới và ký hợp đồng lao động dài hạn

  • Người lao động đi làm trở lại sau thời gian nghỉ không lương 14 ngày trở lên trong tháng hoặc sau thời gian nghỉ ốm đau, thai sản trên 14 ngày trong tháng;

  • Người lao động hết thời gian tạm hoãn hợp đồng lao động đi làm lại…

Một số trường hợp doanh nghiệp phải báo giảm lao động: 

  • Chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động đang tham gia BHXH;

  • Người lao động nghỉ không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng hoặc nghỉ ốm đau, thai sản trên 14 ngày trong tháng.

  • Người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động…

2. Chậm báo tăng giảm lao động có bị phạt không?

Trường hợp chậm báo tăng, giảm lao động có bị phạt không? nếu có mức phạt là bao nhiêu không phải ai cũng biết. Do đó, nhiều doanh nghiệp/đơn vị đã vô tình bị thanh tra và phải nộp phạt, gây thiệt hại không chỉ về tài chính mà còn rất nhiều rắc rối kéo theo. 

Căn cứ vào từng trường hợp mà việc báo tăng giảm lao động chậm sẽ bị phạt hoặc không bị phạt. Cụ thể như sau:

chậm lao động 2

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động, doanh nghiệp phải báo tăng lao động để tránh bị phạt.

2.1 Trường hợp báo tăng lao động chậm

Căn cứ theo Điểm a, Khoản 4, Điều 41, Nghị định 12/2022/NĐ-CP ban hành ngày 17/01/2022 quy định như sau:

“4. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây: 

a) Không lập hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tuyển dụng; không lập hồ sơ tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc có hiệu lực”

Căn cứ Khoản 1, Điều 6, Nghị định 12/2022 quy định như sau:

“1. Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II, Chương III và Chương IV Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3, 5 Điều 7; khoản 3, 4, 6 Điều 13; khoản 2 Điều 25; khoản 1 Điều 26; khoản 1, 5, 6, 7 Điều 27; khoản 8 Điều 39; khoản 5 Điều 41; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 Điều 42; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 Điều 43; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều 45; khoản 3 Điều 46 Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.”

Theo quy định nêu trên, với mỗi người lao động bị báo tăng chậm như sau:

  • Người sử dụng lao động là cá nhân vi phạm sẽ bị phạt từ 2 - 4 triệu đồng/người nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng.

  • Người sử dụng là tổ chức vi phạm sẽ bị phạt từ 4 - 8 triệu đồng/người lao động bị xâm phạm quyền lợi nhưng tối đa không quá 150 triệu đồng.

Như vậy, chậm báo tăng lao động sau 30 ngày kể từ ngày ký hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc chính thức thì người sử dụng lao động sẽ bị phạt. Mức phạt đối với mỗi lao động vi phạm là từ 2 - 8 triệu đồng/người tối đa không quá 75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động là cá nhân và 150 triệu đồng đối với người sử dụng lao động là tổ chức.

2.2 Trường hợp báo giảm lao động chậm

Căn cứ vào các văn bản pháp lý hiện hành chưa có quy định về việc xử phạt báo giảm lao động chậm. Do đó việc báo giảm lao động chậm sẽ không dẫn đến hành vi vi phạm hành chính của người sử dụng lao động. 

Tuy nhiên, trường hợp báo giảm lao động chậm người sử dụng lao động sẽ phải đóng số tiền BHYT của các tháng báo giảm chậm (theo quy định tại Điểm 2.1, Khoản 2, Điều 50, Quyết định 595/QĐ-BHXH)

Trên đây là Thái Sơn thông tin về việc chậm báo tăng, giảm lao động có bị phạt không và mức phạt nếu vi phạm. Doanh nghiệp, đơn vị lưu ý để tránh sai phạm gây thiệt hại về tài chính.

Các tin tức liên quan:

Tin tức cùng chuyên mục