Lãnh tiền bảo hiểm xã hội có bị trừ tiền thai sản không? Những lưu ý trước khi rút BHXH một lần

Ngày đăng: 14:11 - 26/09/2024 Lượt xem: 1986 Cỡ chữ

Việc rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần là lựa chọn của nhiều người lao động khi không muốn chờ đến tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, liệu khi lãnh tiền BHXH có bị trừ tiền thai sản không? Cùng với đó, người lao động cũng cần nắm rõ các khoản lợi ích và trợ cấp mà mình có thể mất khi quyết định rút BHXH một lần. Bài viết này sẽ giúp bạn giải đáp các thắc mắc liên quan đến việc lãnh BHXH và những điểm cần lưu ý để bảo vệ quyền lợi của mình.

Lĩnh tiền BHXH một lần không bị trừ tiền thai sản

1. Lãnh tiền bảo hiểm xã hội có bị trừ tiền thai sản không?

Lãnh tiền bảo hiểm xã hội không bị trừ tiền thai sản bởi vì chế độ bảo hiểm thai sản và trợ cấp BHXH một lần là hai chế độ khác nhau. Cụ thể:

  • Chế độ thai sản là quyền lợi mà lao động nữ được hưởng khi sinh con, và số tiền này không phụ thuộc vào các chế độ khác. Các điều kiện và chế độ thai sản chi tiết cho đối tượng tham gia BHXH bắt buộc được quy định tại Mục 3, Chương III, Luật BHXH 2014 và sẽ được thay thế bởi các quy định tại Mục 2, Chương V, Luật BHXH 2024, kể từ ngày 01/7/2025. Trợ cấp thai sản cho đối tượng tự nguyện được quy định tại Mục 1, Chương VI, Luật BHXH 2024, có hiệu lực từ 01/7/2025.

  • Khi người lao động chọn rút BHXH một lần, đây là khoản tiền được trích từ quỹ hưu trí mà người lao động nhận trước khi đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng. Khoản tiền này được tính dựa trên thời gian và mức đóng BHXH, không liên quan đến tiền thai sản đã nhận. Người lao động có thể rút BHXH một lần theo quy định tại Nghị quyết 93/2015/QH13 của Quốc hội và Khoản 2, Điều 8, Nghị định 115/2015/NĐ-CP.

Kết luận: Người tham gia sẽ được hưởng BHXH một 1 lần mà không bị trừ tiền thai sản.

Tham gia BHXH trong thời gian thai sản


Xem thêm: Cách tính bảo hiểm xã hội 1 lần trên VssID online nhanh chóng

2. Thời gian nghỉ thai sản có được tính bảo hiểm xã hội không?

Xét thời gian nghỉ thai sản được tính như sau:

  • Căn cứ Khoản 2, Điều 39, Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, nếu người lao động nghỉ thai sản mà tháng đó người lao động làm việc từ 14 trở lên thì thời gian nghỉ này vẫn được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Cả người lao động và người sử dụng lao động đều không phải đóng bảo hiểm xã hội cho khoảng thời gian này, nhưng quyền lợi của người lao động vẫn được bảo đảm.

  • Theo Khoản 6, Điều 42, Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017, người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong một tháng, theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, thì cả người lao động và đơn vị sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, thời gian này vẫn được tính là thời gian tham gia bảo hiểm xã hội, nhưng không được coi là thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp. Ngoài ra, bảo hiểm y tế sẽ được cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả trong giai đoạn thai sản này.

  • Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 2, Điều 60, Luật bảo hiểm xã hội 2014, mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần của người lao động sẽ được tính dựa trên tổng số năm mà người lao động đã tham gia đóng bảo hiểm xã hội.

Từ những căn cứ trên, có thể kết luận rằng thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ vẫn được tính là thời gian có đóng bảo hiểm xã hội (nhưng không được coi là thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp). Do đó, thời gian này sẽ được tính vào mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần cho người lao động theo quy định.

Những quyền lợi sẽ mất khi rút BHXH một lần

3. Những lưu ý khi lãnh tiền bảo hiểm xã hội một lần

Nếu người tham gia BHXH có ý định rút tiền BHXH một lần thì cần nắm được những chế độ và khoản tiền người lao động sẽ mất khi hưởng BHXH một lần như sau:

3.1 Không được hưởng lương hưu khi về già

Thông thường, nếu đóng BHXH từ đủ 20 năm trở lên và đến khi đủ tuổi nghỉ hưu, người lao động sẽ được cơ quan BHXH chi trả lương hưu hằng tháng.

  • Về thời gian tham gia tối thiểu để được hưởng lương hưu được quy định tại Điều 54 Luật BHXH năm 2014.

  • Về độ tuổi nghỉ hưu mới nhất được quy định tại Nghị định 135/2020/NĐ-CP, từ ngày 01/1/2021.

  • Cách tính lương hưu hàng tháng mới nhất được quy định tại Điều 55 và Điều 74 Luật BHXH năm 2014.


Tính lương hưu hàng tháng như thế nào?


Lương hưu sẽ được chi trả hàng tháng cho người lao động từ thời điểm họ đủ tuổi nghỉ hưu cho đến khi qua đời. Tuy nhiên, nếu người lao động quyết định rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần tức là về bản chất đã rút toàn bộ số tiền đã đóng từ quỹ hưu trí. Đồng thời, nếu họ chọn không tiếp tục tham gia BHXH, điều này đồng nghĩa với việc họ sẽ không đủ điều kiện nhận lương hưu khi về già.

3.2 Không có trợ cấp mai táng khi qua đời

Theo quy định tại Điều 66, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, khi người lao động đang hưởng lương hưu qua đời, người lo việc mai táng sẽ được nhận trợ cấp mai táng, và khoản trợ cấp này sẽ được cơ quan BHXH chi trả một lần cho thân nhân của người lao động.

Ngoài ra, nếu người lao động đang đóng BHXH hoặc bảo lưu thời gian đóng BHXH với thời gian tham gia từ đủ 12 tháng trở lên mà qua đời, thì thân nhân của họ cũng sẽ nhận được khoản trợ cấp này.

Vì vậy, nếu người lao động đã rút toàn bộ BHXH một lần, thì khi qua đời, thân nhân sẽ không đủ điều kiện nhận trợ cấp mai táng. Tuy nhiên, nếu sau khi rút BHXH một lần mà người lao động tiếp tục tham gia đóng BHXH, thì trong trường hợp không may qua đời, thân nhân của họ vẫn có thể nhận trợ cấp mai táng.

3.3 Người thân của người tham gia BHXH không được trợ cấp tử tuất

Theo Điều 67 và Điều 69 của Luật BHXH năm 2014, khi người lao động đang nhận lương hưu qua đời thì thân nhân của họ có thể nhận trợ cấp tử tuất dưới dạng trợ cấp một lần hoặc hàng tháng. Điều này đảm bảo quyền lợi cho gia đình người lao động khi xảy ra tình huống không may. Mức trợ cấp cụ thể được quy định chi tiết tại Điều 69 và Điều 70 của Luật BHXH 2014. Nếu người lao động đã rút tiền trợ cấp BHXH một lần, thì khi qua đời, thân nhân của người đó cũng không được nhận trợ cấp tử tuất.

3.4 Mất quyền lợi về BHYT

Theo Khoản 1 Điều 2 của Nghị định 146/2018/NĐ-CP, người đang nhận lương hưu sẽ được tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) thuộc nhóm do cơ quan BHXH chi trả. Như vậy, ngoài lương hưu, người lao động còn được cấp thẻ BHYT miễn phí.

Ngược lại, nếu đã rút BHXH một lần và không còn nhận lương hưu, người lao động sẽ phải tự mua thẻ BHYT theo diện hộ gia đình.

Theo Điều 22 của Luật BHYT năm 2008, được sửa đổi năm 2014, khi khám chữa bệnh đúng tuyến, người hưởng lương hưu được BHYT thanh toán 95% chi phí, trong khi đó, người tham gia BHYT theo diện hộ gia đình chỉ được thanh toán 80%.

Như vậy, khi không thể hưởng lương hưu do rút BHXH 1 lần thì người lao động nếu muốn tiếp tục tham gia BHYT thì phải tự mua BHYT với giá cao hơn và được hưởng hỗ trợ thanh toán BHYT đúng tuyến thấp hơn so với người có lương hưu.


Tóm lại, khi rút tiền BHXH một lần, người lao động không bị trừ tiền chế độ thai sản đã lĩnh trước đó. Tuy nhiên, người đã rút BHXH một lần sẽ mất các quyền lợi về lương hưu, trợ cấp mai táng, trợ cấp tử tuất, và quyền lợi về bảo hiểm y tế. Do đó, trước khi đưa ra quyết định, người lao động cần cân nhắc kỹ lưỡng để không bỏ lỡ các quyền lợi quan trọng sau này.


Nếu bạn cần hỗ trợ thêm xin vui lòng liên hệ BHXH điện tử EBH - Thái Sơn hoặc tổng đài tư vấn BHXH 1900 9068 (1000 đồng/phút) để được giúp đỡ.

T.D


Tin tức cùng chuyên mục