Quy định về sử dụng thẻ Bảo hiểm y tế trong khám, chữa bệnh

Ngày đăng: 08:27 - 23/02/2021 Lượt xem: 24698 Cỡ chữ

Quy định về sử dụng thẻ Bảo hiểm y tế có những nội dung nào người tham gia cần nắm được? Thẻ BHYT là căn cứ quan trọng để người dân hưởng các quyền lợi khi khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết sử dụng thẻ BHYT đúng cách để hưởng đầy đủ các chế độ.

Quy định về sử dụng thẻ Bảo hiểm y tế trong khám, chữa bệnh - ảnh 1

Quy định về sử dụng thẻ Bảo hiểm y tế trong khám, chữa bệnh.

1. Điều kiện hưởng quyền lợi khi khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT

Theo quy định, để được hưởng quyền lợi về Bảo hiểm y tế, khi đi khám chữa bệnh, người tham gia cần phải xuất trình thẻ BHYT còn giá trị sử dụng và kèm theo giấy tờ tùy thân có ảnh hợp lệ. Riêng đối với trẻ em dưới 6 tuổi chỉ cần xuất trình thẻ BHYT còn giá trị sử dụng.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, quy định này sẽ có sự điều chỉnh, cụ thể như sau:

Trường hợp cấp cứu

Người bệnh sẽ được tiếp nhận tại bất cứ cơ sở khám, chữa bệnh nào và phải xuất trình thẻ BHYT cùng các giấy tờ tùy thân hợp lệ trước khi ra viện. Mặt khác, trong quá trình điều trị phát hiện và phải điều trị một số bệnh thì cơ sở khám chữa bệnh tiếp nhận được tính là đúng tuyến.

Trường hợp chuyển tuyến điều trị

Trường hợp cơ sở khám chữa bệnh không đáp ứng được về khả năng điều trị hoặc các dịch vụ kỹ thuật, người bệnh được chuyển tuyến điều trị. Về thủ tục, người bệnh cần xuất trình thẻ BHYT còn giá trị sử dụng và giấy tờ tùy thân có ảnh và giấy chuyển viện của cơ sở khám chữa bệnh đầu tiên thực hiện chuyển tuyến.

Quy định về sử dụng thẻ Bảo hiểm y tế trong khám, chữa bệnh - ảnh 2

Nếu chuyển tuyến điều trị, người bệnh cần xuất trình thẻ BHYT còn giá trị sử dụng và giấy tờ tùy thân có ảnh và giấy chuyển viện.

Trường hợp thanh toán chi phí vận chuyển người bệnh

Các đối tượng được quỹ BHYT thanh toán chi phí vận chuyển 2 chiều khi chuyển tuyến kỹ thuật:

  • Người có công với cách mạng hoặc thân nhân của người có công với cách mạng bao gồm: cha mẹ đẻ, con, người có công nuôi dưỡng,...

  • Trẻ em dưới 6 tuổi.

  • Người thuộc đối tượng bảo trợ hàng tháng. 

Trường hợp khám lại

Trong trường hợp người tham gia BHYT khám lại thì cần phải cung cấp giấy hẹn khám lại của cơ sở khám chữa bệnh. Lưu ý: Giấy hẹn khám lại chỉ được sử dụng 1 lần duy nhất để khám, chữa bệnh.

2. Quy định về thời hạn sử dụng thẻ BHYT

Trước đây, trên thẻ BHYT mẫu cũ sẽ thể hiện thời hạn sử dụng thẻ. Tuy nhiên, từ khi Công văn 3340/BHXH-ST được ban hành, áp dụng từ ngày 01/08/2017, trên thẻ BHYT sẽ không còn ghi thời hạn sử dụng của thẻ BHYT, chỉ ghi thời điểm bắt đầu có hiệu lực của thẻ.

Quy định về sử dụng thẻ Bảo hiểm y tế trong khám, chữa bệnh - ảnh 3

Từ 01/8/2017, không ghi thời điểm hết hạn sử dụng trên thẻ BHYT.

Trừ một số trường hợp bị mất thẻ, hỏng thẻ BHYT thì sẽ được cấp mới, còn nếu không, giá trị sử dụng của thẻ BHYT sẽ được cộng nối thời gian sau khi đóng đủ tiền BHYT theo quy định.

Vì vậy, thời hạn sử dụng của thẻ BHYT tùy theo trường hợp sẽ được xác định như sau:

  • Nhóm đối tượng được cấp thẻ BHYT miễn phí: Giá trị sử dụng của thẻ BHYT được tính từ ngày cấp đến ngày không còn thuộc nhóm đối tượng này nữa.

  • Người lao động và người sử dụng lao động: Thẻ BHYT có giá trị sử dụng từ ngày cấp thẻ đến ngày dừng đóng BHYT.

  • Đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình: Giá trị sử dụng của thẻ BHYT là từ ngày cấp đến ngày dừng tham gia BHYT.

  • Nhóm đối tượng được hỗ trợ đóng BHYT: Thẻ BHYT có giá trị sử dụng từ ngày cấp thẻ đến ngày dừng tham gia BHYT.

Tham khảo >> Chi tiết những thay đổi mới trên thẻ BHYT từ ngày 1/4/2021

3. Mức hưởng BHYT khi khám, chữa bệnh

Trường hợp khám, chữa bệnh đúng tuyến

Người tham gia BHYT khi khám, chữa bệnh xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân hợp lệ sẽ được thanh toán chi phí khám, chữa bệnh như sau:

Đối với dịch vụ khám, chữa bệnh thông thường

Người tham gia BHYT sẽ được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh nếu thuộc các đối tượng:

  • Người có công với cách mạng.

  • Trẻ em dưới 6 tuổi.

  • Trường hợp có chi phí khám chữa bệnh thấp hơn 15% lương cơ sở và khám chữa bệnh tại bệnh viện tuyến xã.

  • Người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng.

  • Hộ nghèo, dân tộc thiểu số đang sinh sống tại các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn.

Người tham gia BHYT sẽ được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh nếu thuộc các đối tượng: Người đang hưởng trợ cấp mất sức hàng tháng, người đang hưởng lương hưu, hộ cận nghèo, thân nhân của người có công với cách mạng.

Đối với dịch vụ khám, chữa bệnh kỹ thuật cao, chi phí lớn

Người bệnh sẽ được thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh, không giới hạn tỷ lệ thanh toán nếu thuộc các đối tượng:

  • Người hoạt động cách mạng trước 1945.

  • Người hoạt động cách mạng từ 1/1/1945 đến trước 19/8/1945.

  • Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

  • Thương binh, người đang hưởng các chế độ, chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh điều trị vết thương, thương tật tái phát.

  • Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ và sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật đang công tác trong lực lượng CAND: Mức thanh toán không vượt quá 40 lần lương cơ sở cho một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật.

  • Người có công với cách mạng: Mức thanh toán không vượt quá 40 lần lương cơ sở cho một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật.

Quy định về sử dụng thẻ Bảo hiểm y tế trong khám, chữa bệnh - ảnh 4

Một số quy định về mức hưởng Bảo hiểm y tế.

Người bệnh sẽ được thanh toán 95% chi phí khám chữa bệnh nếu thuộc các đối tượng:  Người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng; thân nhân người có công với cách mạng trừ nhóm đối tượng quy định điểm i khoản 3, điều 12 Luật BHXH số 46/2014; Người thuộc hộ gia đình cận nghèo.

Người bệnh sẽ được thanh toán 95% chi phí khám chữa bệnh nếu thuộc các đối tượng khác ngoài các nhóm nêu trên.

Trường hợp khám chữa bệnh không đúng tuyến

Trừ trường hợp cấp cứu, nếu người bệnh khám chữa bệnh BHYT không đúng cơ sở đăng ký khám chữa bệnh ban đầu hoặc không đúng tuyến chuyên môn kỹ thuật sẽ được hưởng:

  • 60% chi phí khám, chữa bệnh nếu khám chữa bệnh tại cơ sở tuyến tỉnh.

  • 40% chi phí đối với trường hợp khám chữa bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Trung Ương.

Trên đây là một số quy định về sử dụng thẻ Bảo hiểm y tế trong khám, chữa bệnh. Thẻ BHYT là căn cứ quan trọng để tính hưởng các quyền lợi, người tham gia BHYT cần nắm vững các quy định này để áp dụng khi khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe.

Xem thêm >> 6 Lưu ý về sổ BHXH người lao động nên biết

Tin tức cùng chuyên mục