Hướng dẫn cách tính trợ cấp tai nạn lao động tự nguyện

Ngày đăng: 14:09 - 10/02/2025 Lượt xem: 2137 Cỡ chữ

Ngày 01/11/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 143/2024/NĐ-CP quy định về bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện với nhóm người làm việc không theo hợp đồng lao động. Vậy quy định này có điểm nào đáng lưu ý và cách tính trợ cấp tai nạn lao động tự nguyện như thế nào?

Tìm hiểu về trợ cấp tai nạn lao động BHXH

Tìm hiểu về trợ cấp tai nạn lao động BHXH

1. Quy định tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện

1.1 Đối tượng tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện là ai?

Những người lao động thuộc phạm vi áp dụng của Nghị định này bao gồm lao động từ đủ 15 tuổi trở lên, làm việc không theo hợp đồng lao động và không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Những người này có thể tham gia bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện (sau đây gọi chung là người lao động).

1.2 Hồ sơ đăng ký tham gia

Để đăng ký tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện, người lao động cần chuẩn bị tờ khai theo Điều 14, Nghị định 143/2024/NĐ-CP gồm các thông tin cụ thể về: nghề, công việc, thời gian và nơi làm việc được đăng ký để tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện. 

Trường hợp có thay đổi về nghề, công việc, thời gian và nơi làm việc thì thực hiện khai báo điều chỉnh thông tin bằng cách nộp hồ sơ điều chỉnh thông tin:

- Tờ khai điều chỉnh thông tin cá nhân;

- Sổ bảo hiểm xã hội;

- Bản sao giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các giấy tờ khác liên quan đến việc điều chỉnh thông tin cá nhân theo quy định của pháp luật.

Công thức tính trợ cấp tai nạn lao động tự nguyện

Công thức tính trợ cấp tai nạn lao động tự nguyện

2. Cách tính trợ cấp tai nạn lao động tự nguyện

Người lao động có thể được nhận chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo dạng trợ cấp 1 lần hoặc trợ cấp hàng tháng.

2.1. Trợ cấp một lần

Khi đủ điều kiện bị suy giảm khả năng lao động từ 5%, người lao động được nhận trợ cấp tai nạn lao động 1 lần. Mức trợ cấp tai nạn lao động tự nguyện một lần được tính theo công thức:  

Mức trợ cấp một lần = Mức trợ cấp theo mức suy giảm khả năng lao động + Mức trợ cấp theo số năm đóng bảo hiểm

Cụ thể:  

Mức trợ cấp một lần = {5 x A + (B-5) x 0,5 x A} + {0,5 x C + (D-1) x 0,3 x C}

Trong đó:  

- A: Mức lương cơ sở tại thời điểm nhận trợ cấp (Hiện nay là 2.340.000 đồng/tháng).  

- B: Mức suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động, tính theo số tuyệt đối (5 ≤ B ≤ 30).  

- C: Mức lương tháng tham gia đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động.  

- D: Tổng số năm tham gia quỹ bảo hiểm tai nạn lao động.  

2.2 Trợ cấp hàng tháng

Người lao động được nhận trợ cấp tai nạn lao động tự nguyện hàng tháng nếu bị suy giảm lao động từ 31% trở lên. Công thức xác định mức trợ cấp tai nạn lao động hàng tháng là:

Mức trợ cấp hàng tháng = Mức trợ cấp theo mức suy giảm khả năng lao động + Mức trợ cấp theo số năm đóng bảo hiểm

Cụ thể, công thức chi tiết là

Mức trợ cấp hàng tháng = {0,3 x A + (B-31) x 0,02 x A} + {0,005 x C + (D-1) x 0,003 x C}

Trong đó:  

- A: Mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng trợ cấp (Hiện nay là 2.340.000 đồng/tháng).  

- B: Mức suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động, tính theo số tuyệt đối (31 ≤ B ≤ 100).  

- C: Mức lương tháng đóng bảo hiểm tai nạn lao động.  

- D: Tổng số năm tham gia đóng bảo hiểm.  

Trên đây là cách tính chế độ tai nạn lao động theo quy định pháp luật hiện hành với mức lương cơ sở mới nhất.

Quy trình hưởng trợ cấp tai nạn lao động tự nguyện

Quy trình hưởng trợ cấp tai nạn lao động tự nguyện

3. Hướng dẫn hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện

Khi bị tai nạn lao động và muốn hưởng trợ cấp, người lao động cần đáp ứng một số điều kiện cụ thể và gửi hồ sơ đề nghị, những hướng dẫn này được ban hành tại Nghị định 143/2024/NĐ-CP

3.1 Điều kiện hưởng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện

Căn cứ theo Điều 5 của Nghị định 143/2024/NĐ-CP, người lao động đang tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện sẽ được hưởng chế độ bảo hiểm nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do tai nạn lao động.

Những trường hợp người lao động không được hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động bao gồm:

  • Tai nạn xảy ra do mâu thuẫn cá nhân giữa nạn nhân và người khác, không liên quan đến công việc hoặc nhiệm vụ lao động.

  • Người lao động cố ý gây tổn hại đến sức khỏe của bản thân.

  • Tai nạn do người lao động sử dụng ma túy hoặc các chất kích thích bị pháp luật cấm.

3.2 Hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp

Trong trường hợp người tham gia bị tai nạn lao động và đủ điều kiện nhận trợ cấp, cá nhân đó hoặc thân nhân cần chuẩn bị bộ hồ sơ bao gồm các loại giấy tờ sau:

  • Sổ bảo hiểm xã hội;

  • Giấy ra viện hoặc bản trích lục hồ sơ bệnh án sau khi hoàn tất điều trị tai nạn lao động (đối với trường hợp điều trị nội trú);

  • Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động do Hội đồng giám định y khoa cấp;

  • Bản sao giấy chứng tử, trích lục khai tử, giấy báo tử hoặc bản sao quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật tuyên bố người lao động đã chết do tai nạn lao động;

  • Biên bản điều tra về vụ tai nạn lao động;

  • Đơn đề nghị giải quyết trợ cấp tai nạn lao động do người lao động hoặc thân nhân lập (trường hợp tai nạn lao động dẫn đến tử vong), theo mẫu quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định này;

  • Hóa đơn, chứng từ hợp pháp liên quan đến chi phí giám định mức suy giảm khả năng lao động (bản chính).

Trường hợp lao động có kết quả giám định lại về mức tăng suy giảm lao động, người tham gia cần chuẩn bị thêm các chứng từ sau để bổ sung chế độ trợ cấp tai nạn lao động:

  • Sổ bảo hiểm xã hội;

  • Biên bản giám định mới về mức suy giảm khả năng lao động do Hội đồng giám định y khoa cấp;

  • Đơn đề nghị giải quyết bổ sung chế độ bảo hiểm tai nạn lao động theo mẫu quy định tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Nghị định này;

  • Hóa đơn, chứng từ hợp pháp liên quan đến chi phí giám định lại mức suy giảm khả năng lao động (bản chính).

3.3 Thời điểm được nhận trợ cấp tai nạn lao động tự nguyện

Theo quy định tại Khoản 5, Điều 7, Nghị định 143/2024/NĐ-CP, thời điểm người lao động bắt đầu được hưởng trợ cấp tai nạn lao động được xác định như sau:

  • Nếu người lao động điều trị nội trú, thời điểm hưởng trợ cấp được tính từ tháng hoàn thành điều trị và xuất viện.

  • Trường hợp không nằm viện, thời điểm hưởng được tính vào tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa.

Trong trường hợp không xác định được thời điểm điều trị ổn định và xuất viện (ví dụ: giấy ra viện có chỉ định tái khám, tháo bột, tháo nẹp, tháo vít…), thì thời điểm hưởng trợ cấp sẽ tính vào tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa.

Đối với trường hợp người lao động tử vong do tai nạn lao động, thân nhân sẽ nhận trợ cấp trong tháng người lao động qua đời.

Nếu có giám định lại mức suy giảm khả năng lao động, thời điểm nhận trợ cấp bổ sung sẽ được tính vào tháng có kết luận giám định y khoa.

Nội dung trên đây được tổng hợp bởi BHXH điện tử eBH - Thái Sơn về cách tính trợ cấp tai nạn lao động tự nguyện. Với những công thức cụ thể và các quy định được nêu trong bài viết, EBH - Thái Sơn hy vọng quý khách có thể tham khảo và tự tính mức trợ cấp với trường hợp của mình. 

Mạnh Hùng

Thông tin liên hệ: Bảo hiểm xã hội điện tử EBH

  • Địa chỉ: Số 11, Đặng Thùy Trâm, Cổ Nhuế 1, Bắc Từ Liêm Hà Nội.
  • Hotline: 1900 558873 (M. Bắc) hoặc 1900 558872 (Miền Trung - Nam)
  • Website: https://ebh.vn
Tin tức cùng chuyên mục