Hợp đồng thương mại điện tử theo quy định của pháp luật Việt Nam

Ngày đăng: 09:20 - 20/06/2024 Lượt xem: 3723 Cỡ chữ

Hợp đồng thương mại điện tử là một trong những xu thế tạo ra sự thuận tiện, nhanh chóng, loại bỏ khâu trung gian trong việc giao kết hợp đồng giữa các bên. Về mặt pháp lý, quy định về các loại hợp đồng điện tử đã được điều chỉnh tương đối cụ thể tại Luật Giao dịch điện tử năm 2005. Tuy nhiên, khá nhiều doanh nghiệp vẫn còn mơ hồ chưa nắm được các quy định về hợp đồng thương mại điện tử. 

Những quy định quan trọng về hợp đồng thương mại điện tử.

1. Hợp đồng thương mại điện tử là gì?

Căn cứ theo Điều 33, Luật Giao dịch điện tử, hợp đồng điện tử là hợp đồng được tạo ra dưới dạng thông điệp dữ liệu.

Mặt khác, theo Luật Thương mại năm 2005, hợp đồng thương mại là thỏa thuận giữa các bên trong hoạt động thương mại về các vấn đề như thiết lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên.

Như vậy, theo hai quy định nêu trên, có thể định nghĩa hợp đồng thương mại điện tử cũng là một dạng của hợp đồng thương mại. Theo đó, hợp đồng thương mại này được thiết lập và thể hiện bằng phương tiện điện tử, nhằm xác lập thỏa thuận giữa các bên về quyền và nghĩa vụ trong lĩnh vực thương mại, được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu và có kết nối mạng.

2. Đặc điểm của hợp đồng thương mại điện tử

Hợp đồng thương mại điện tử có nhiều đặc điểm khác biệt.

So với các loại hợp đồng truyền thống, hợp đồng thương mại điện tử có nhiều đặc trưng khác biệt:

a) Chủ thể hợp đồng

Hợp đồng thương mại điện tử có từ 2 bên trở lên: Một bên là thương nhân, bên còn lại có thể là thương nhân, hoặc một cá nhân, tổ chức đồng thuận giao kết hợp đồng.

Trong quá trình giao kết hợp đồng thương mại điện tử còn có thể có sự xuất hiện của bên thứ ba, ví dụ là bên cung cấp giải pháp hợp đồng điện tử. Các đơn vị này đảm bảo cho giá trị pháp lý và việc áp dụng, ký kết hợp đồng điện tử được hiệu quả.

b) Hình thức hợp đồng

Hợp đồng thương mại điện tử được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu: Văn bản, hình ảnh hoặc video, nội dung được thể hiện cụ thể rõ ràng. Đồng thời, hợp đồng thương mại điện tử phải đảm bảo truy cập, sử dụng và tham chiếu được bất cứ lúc nào. 

Đây là cơ sở pháp lý để các bên chủ thể giải quyết mọi vấn đề liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của các bên trong trường hợp xảy ra tranh chấp. Hoạt động trên môi trường trực tuyến nên hợp đồng thương mại điện tử mang tính vô hình, có thể giao kết ở bất cứ không gian nào.

c) Đối tượng của hợp đồng thương mại điện tử

Đối tượng của hợp đồng thương mại điện tử là hàng hóa, dịch vụ. Tuy nhiên, hàng hóa, dịch vụ cần phải được pháp luật cho phép lưu hành, kinh doanh trên thị trường.

Phạm vi áp dụng 

Hợp đồng thương mại điện tử áp dụng rộng rãi trong hoạt động thương mại kinh doanh, lĩnh vực dân sự và nhiều lĩnh vực khác.

3. Một số quy định pháp luật về hợp đồng thương mại điện tử

Lưu ý các quy định pháp luật về hợp đồng thương mại điện tử.

Cũng như các hình thức hợp đồng khác, hợp đồng thương mại điện tử chịu sự điều chỉnh của nhiều bộ luật như Luật Thương mại, Luật Dân sự,... Đồng thời khi áp dụng, các bên cũng cần nắm được tính pháp lý của loại hợp đồng này.

a) Các văn bản pháp luật quy định về hợp đồng thương mại điện tử

Khi áp dụng hợp đồng thương mại điện tử, các bên cần tuân thủ theo những văn bản pháp luật sau:

  • Luật Thương mại năm 2005: Quy định hình thức hợp đồng, quyền và nghĩa vụ của các bên, các loại hàng hóa, dịch vụ bị cấm, hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế, xuất - nhập khẩu.

  • Luật Giao dịch điện tử 2005 (Luật số 51/2005/QH11): Quy định giá trị pháp lý, phương thức giao kết hợp đồng, phương tiện giao kết và chữ ký điện tử, các hành vi bị cấm trong giao dịch điện tử,...

  • Bộ Luật Dân sự năm 2015 (Luật số 91/2015/QH13 ngày 24/11/2015) quy định địa vị, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của các cá nhân, pháp nhân,...

  • Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

  • Luật Trọng tài thương mại năm 2010.

  • Luật Hải quan, Luật Xây dựng, Nghị định 22/2017/NĐ-CP ngày 24/2/2017 Nghị định về hòa giải thương mại.

b) Giá trị pháp lý của hợp đồng thương mại điện tử

Căn cứ theo Điều 34, Luật giao dịch điện tử 2005, giá trị pháp lý của hợp đồng thương mại điện tử được quy định như sau:

“Điều 34. Thừa nhận giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử

Giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử không thể bị phủ nhận chỉ vì hợp đồng đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu.”

Mặt khác, theo Điều 14, Luật giao dịch điện tử 2005:

“Điều 14. Thông điệp dữ liệu có giá trị làm chứng cứ

1. Thông điệp dữ liệu không bị phủ nhận giá trị dùng làm chứng cứ chỉ vì đó là một thông điệp dữ liệu.

2. Giá trị chứng cứ của thông điệp dữ liệu được xác định căn cứ vào độ tin cậy của cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi thông điệp dữ liệu; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác.”

Như vậy, hợp đồng thương mại điện tử được pháp luật công nhận có tính pháp lý và được sử dụng làm chứng cứ, căn cứ để giải quyết trong trường hợp các bên không thực hiện hợp đồng, vi phạm các điều khoản trong hợp đồng khi hợp đồng thương mại điện tử đảm bảo các điều kiện:

  • Điều kiện 1: Nội dung thể hiện trong hợp đồng thương mại điện tử đảm bảo tính toàn vẹn.

  • Điều kiện 2: Nội dung dữ liệu thể hiện trong hợp đồng thương mại điện tử có thẻ truy cập và sử dụng được trong trường hợp cần thiết.

Trên đây ThaisonSoft cung cấp một số thông tin cơ bản về hợp đồng thương mại điện tử. Đây là hình thức được áp dụng khá phổ biến hiện nay bởi tính thuận tiện, dễ dàng thỏa thuận và giao kết. Để nắm được các quy định quan trọng, bạn cần tham khảo một số văn bản pháp luật như Luật Thương mại năm 2005, Luật Giao dịch điện tử 2005, Bộ luật Dân sự năm 2015…

Các tin tức liên quan:

Tin tức cùng chuyên mục