Chế độ Bảo hiểm xã hội tự nguyện: Tổng hợp các thông tin quan trọng cho người tham gia

Ngày đăng: 09:56 - 02/03/2021 Lượt xem: 75765 Cỡ chữ

Ngoài Bảo hiểm xã hội bắt buộc, chế độ Bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng được nhiều người đặc biệt quan tâm. Đây là chính sách của Nhà nước nhằm hỗ trợ những người không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc vẫn có thể hưởng nhiều quyền lợi về khám, chữa bệnh, lương hưu,... Dưới đây là một số thông tin người tham gia BHXH tự nguyện cần nắm được.

Chế độ Bảo hiểm xã hội tự nguyện - ảnh 1


BHXH tự nguyện mang là chế độ được nhiều người dân quan tâm, được Nhà nước khuyến khích tham gia.

1. Bảo hiểm xã hội tự nguyện là gì?

Bảo hiểm xã hội tự nguyện là hình thức bảo hiểm do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng tùy theo khả năng thu nhập của mình. 

Theo quy định tại Khoản 4, Điều 2, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì có thể tham gia BHXH tự nguyện.

2. Các chế độ, quyền lợi của Bảo hiểm xã hội tự nguyện

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 4, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Bảo hiểm xã hội tự nguyện gồm có 2 chế độ là hưu trí và tử tuất. Mặc dù không nhiều quyền lợi bằng BHXH bắt buộc nhưng BHXH tự nguyện vẫn mang lại nhiều lợi ích to lớn cho người tham gia. 

Người dân khi tham gia BHXH tự nguyện, đáp ứng đủ điều kiện nhất định sẽ được hưởng quyền lợi như sau:

2.1 Được hưởng lương hưu hàng tháng 

Người tham gia chế độ Bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ được hưởng lương hưu hàng tháng nếu:

  • Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.

  • Đủ 20 năm đóng BHXH trở lên.

Nếu người tham gia BHXH chưa đủ thời gian 20 năm thì được đóng BHXH cho đến khi đủ 20 năm để hưởng lương hưu hàng tháng. 

2.2 Nhận trợ cấp một lần

Ngoài lương hưu, người dân có thể được hưởng trợ cấp một lần nếu thời gian đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa - 75%. Theo đó, mức trợ cấp một lần được tính căn cứ theo số năm đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa - 75%. Cứ mỗi năm đóng BHXH được tính bằng ½ mức bình quân tháng lương đóng BHXH.

2.3 Trợ cấp mai táng

Đối với người tham gia BHXH tự nguyện từ đủ 60 tháng trở lên hoặc đang hưởng lương hưu mà không may qua đời thì người lo thủ tục mai táng sẽ được nhận trợ cấp mai táng bằng 10 lần lương cơ sở.

2.4 Trợ cấp tuất một lần

Trường hợp người đang đóng BHXH tự nguyện, đang bảo lưu thời gian đóng BHXH hoặc đang hưởng lương hưu mà không may qua đời thì thân nhân sẽ được hưởng trợ cấp tuất một lần. Mức hưởng được tính căn cứ theo Khoản 2, Khoản 3, Điều 81 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

2.5 Quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT

Người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí khi đang hưởng lương hưu. Mức hưởng BHYT tương ứng sẽ là 95% chi phí khám, chữa bệnh.

Chế độ Bảo hiểm xã hội tự nguyện - ảnh 2

Người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí khi đang hưởng lương hưu.

2.6 Được hỗ trợ tiền đóng BHXH

Người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được Nhà nước hỗ trợ mức đóng BHXH theo tỷ lệ phần trăm theo mức chuẩn hộ nghèo như sau:

  • Hỗ trợ 30% nếu thuộc diện hộ nghèo.

  • Hỗ trợ 25% nếu thuộc hộ cận nghèo.

  • Hỗ trợ 10% đối với các đối tượng khác.

Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế nhưng không quá 10 năm.

Xem thêm >>  Hướng dẫn cách tính lương hưu cho người lao động từ ngày 1/1/2021

3. Mức đóng Bảo hiểm xã hội tự nguyện

Theo Khoản 2, Điều 87 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, mức đóng BHXH tự nguyện bằng 22% mức thu nhập do mình lựa chọn. Trong đó, mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng tối thiểu bằng mức chuẩn hộ nghèo đối với khu vực nông thôn (700.000 đồng), tối đa bằng 20 lần lương cơ sở.

4. Mức hưởng BHXH tự nguyện

4.1 Mức hưởng chế độ hưu trí của BHXH tự nguyện

Theo Điều 74 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, mức lương hưu hàng tháng tính như sau:

Lương hưu = Tỷ lệ hưởng x Bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.

Theo Điều 74 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, trợ cấp một lần được tính như sau: Mỗi năm người tham gia BHXH tự nguyện đóng cao hơn số năm tương ứng tỷ lệ hưởng lương hưu 75% được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.

Chế độ Bảo hiểm xã hội tự nguyện - ảnh 3

Ngoài lương hưu, một số trường hợp người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng trợ cấp 1 lần.

Bảo hiểm xã hội một lần (chỉ áp dụng với một số trường hợp đủ điều kiện theo Điều 77 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014):

  • 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH đối với những người tham gia BHXH trước 2014.

  • 2 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH đối với những người tham gia BHXH từ 2014 trở đi.

  • Người dân đóng BHXH tự nguyện chưa đủ 1 năm thì hưởng mức bằng số tiền đã đóng, tối đa bằng 2 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.

Xem thêm >> Hướng dẫn cách tính chế độ hưu trí: Lương hưu và trợ cấp một lần

​​5. Chế độ tử tuất đối với người tham gia BHXH tự nguyện

5.1 Trợ cấp mai táng

Theo Điều 80 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, trợ cấp mai táng tính bằng 10 lần lương cơ sở cho những người đóng đủ 60 tháng trở lên hoặc đang hưởng lương hưu.

5.2 Trợ cấp tuất

Theo Điều 81 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người tham gia BHXH tự nguyện đang bảo lưu thời gian đóng BHXH mà không may qua đời thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất bằng:

  • 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH đối với những người tham gia BHXH trước 2014.

  • 2 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH đối với những người tham gia BHXH từ 2014 trở đi.

  • Người dân đóng BHXH tự nguyện chưa đủ 1 năm thì hưởng mức bằng số tiền đã đóng, tối đa bằng 2 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.

  • Tối thiểu 3 tháng  mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH nếu tham gia cả BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện.

Nếu người tham gia BHXH tự nguyện đang hưởng lương hưu mà không may qua đời thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất bằng:

  • 48 tháng lương hưu nếu qua đời trong 2 tháng đầu hưởng lương hưu.

  • Cứ hưởng thêm 1 tháng lương hưu thì trợ cấp giảm đi 0,5 tháng nếu qua đời vào những tháng sau đó.

Trên đây là tổng hợp một số thông tin quan trọng về chế độ Bảo hiểm xã hội tự nguyện để người dân nắm được. Bảo hiểm xã hội tự nguyện được ví như “của để dành” của người tham gia, mang lại nhiều quyền lợi, đặc biệt sau khi hết độ tuổi lao động. Vì vậy, tham gia BHXH tự nguyện là điều cần thiết để giảm bớt gánh nặng khi về già.

Tham khảo >> Mẫu đơn xin tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện mới nhất 

Tin tức cùng chuyên mục