Chứng thư số là gì? Phân biệt chữ ký số với chứng thư số 2023

Ngày đăng: 10:05 - 12/07/2023 Lượt xem: 8164 Cỡ chữ

Chứng thư số là khái niệm quen thuộc đối với các tổ chức cá nhân sử dụng chữ ký số để thực hiện giao dịch điện tử. Chứng thư số cung cấp thông tin định danh cho khóa công khai của một cá nhân hoặc tổ chức nhằm xác nhận cá nhân, tổ chức là người ký chữ ký số.



Tìm hiểu chứng thư số là gì.

1. Chứng thư số là gì?

Nhằm phục vụ cho việc thực hiện giao dịch điện tử an toàn và thuận lợi các khái niệm về chứng thư số, chữ ký số được hình thành. Theo quy định của pháp luật hiện hành thống nhất khái niệm chứng thư số tại Nghị định 130/2018/NĐ-CP ban hành ngày 27/9/2023. 

1.1 Định nghĩa về chứng thư số 

Căn cứ theo quy định tại Khoản 7, Điều 3, Nghị định 130/2018/NĐ-CP định nghĩa về chứng thư số như sau:

“7. "Chứng thư số" là một dạng chứng thư điện tử do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số cấp nhằm cung cấp thông tin định danh cho khóa công khai của một cơ quan, tổ chức, cá nhân, từ đó xác nhận cơ quan, tổ chức, cá nhân là người ký chữ ký số bằng việc sử dụng khóa bí mật tương ứng.”

Theo quy định này, chứng thư số được hiểu là một dạng chứng thư điện tử được tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số cấp nhằm cung cấp thông tin định danh cho khóa công khai của một cơ quan, tổ chức, cá nhân, từ đó xác nhận cơ quan, tổ chức, cá nhân là người ký chữ ký số bằng việc sử dụng khóa bí mật tương ứng.

1.2 Nội dung của chứng thư số

Chứng thư số hiện nay do 4 tổ chức sau cung cấp gồm:

  • Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia, 

  • Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng, 

  • Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ,

  • Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng của cơ quan, tổ chức cấp 

Căn cứ theo quy định tại Điều 5, Nghị định 130/2018/NĐ-CP chứng thư số gồm có 10 nội dung sau:

  1. Tên của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số.

  2. Tên của thuê bao.

  3. Số hiệu chứng thư số.

  4. Thời hạn có hiệu lực của chứng thư số.

  5. Khóa công khai của thuê bao.

  6. Chữ ký số của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số.

  7. Các hạn chế về mục đích, phạm vi sử dụng của chứng thư số.

  8. Các hạn chế về trách nhiệm pháp lý của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số.

  9. Thuật toán mật mã.

  10. Các nội dung cần thiết khác theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.



Nội dung của chứng thư số.

2. Những lưu ý về chứng thư số người dùng cần nắm được 

Trên thực tế chứng thư số ít được nhắc đến hơn so với chữ ký số do đó nhiều khái niệm và quy định liên quan đến chứng thư số người dùng hiểu còn rất mơ hồ. Do đó người dùng cần lưu ý một vài thông tin sau.

2.1 Lưu ý khái niệm liên quan đến chứng thư số

Có 3 khái niệm liên quan đến chứng thư số cần nắm được gồm:

  • Chứng thư số có hiệu lực: là chứng thư số chưa hết hạn, không bị tạm dừng hoặc bị thu hồi.

  • Chứng thư số công cộng: là chứng thư số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cấp.

  • Chứng thư số nước ngoài: là chứng thư số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số nước ngoài cấp.

2.2 Định dạng chứng thư số theo quy chế chứng thực của Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia

Căn cứ theo quy định tại Điều 10, Nghị định 130/2018/NĐ-CP quy định về định dạng chứng thư số đã nêu rõ khi cấp chứng thư số, các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng và các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng của cơ quan, tổ chức được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn cho chữ ký số chuyên dùng phải tuân thủ quy định về định dạng chứng thư số theo quy chế chứng thực của Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia.

2.3 Quyền được cấp chứng thư số

Tất cả các cơ quan, tổ chức và chức danh nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng con dấu đều có quyền được cấp chứng thư số có giá trị (Quy định Tại Điều 6,  Nghị định 130/2018/NĐ-CP).

Tuy nhiên chứng thư số cấp cho chức danh nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức phải nêu rõ chức danh và tên cơ quan, tổ chức của người đó. Đồng thời việc cấp chứng thư số cho cơ quan, tổ chức và chức danh nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức phải căn cứ vào các tài liệu sau:

  • Một là: Văn bản của cơ quan, tổ chức đề nghị cấp chứng thư số cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền hoặc chức danh nhà nước;

  • Hai là: Bản sao hợp lệ quyết định thành lập, quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hoặc văn bản xác nhận chức danh của người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức hoặc chức danh nhà nước đó.

3. Phân biệt chứng thư số với chữ ký số

Trên thực tế rất nhiều người không hiểu rõ về chứng thư số và thường bị nhầm với chữ ký số.

Một cách đơn giản để phân biệt chứng thư số và chữ ký số là phân biệt qua định nghĩa. Căn cứ theo Khoản 6, Điều 3, Nghị định 130/2018/NĐ-CP chữ ký số được định nghĩa như sau:

“6. "Chữ ký số" là một dạng chữ ký điện tử được tạo ra bằng sự biến đổi một thông điệp dữ liệu sử dụng hệ thống mật mã không đối xứng, theo đó, người có được thông điệp dữ liệu ban đầu và khóa công khai của người ký có thể xác định được chính xác:

a) Việc biến đổi nêu trên được tạo ra bằng đúng khóa bí mật tương ứng với khóa công khai trong cùng một cặp khóa;

b) Sự toàn vẹn nội dung của thông điệp dữ liệu kể từ khi thực hiện việc biến đổi nêu trên.”

Phân biệt chứng thư số với chữ ký số.

Bên cạnh việc phân biệt qua định nghĩa thì việc phân biệt chứng thư số và chữ ký số còn thông qua các đặc điểm sau.

(1) Các đặc điểm giống nhau

  • Đều sử dụng trong môi trường điện tử

  • Đơn vị cung cấp gồm: Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia; Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ; Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng; Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng của các cơ quan, tổ chức được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn cho chữ ký số chuyên dùng

  • Đối tượng sử dụng: cá nhân và tổ chức có nhu cầu

Đặc điểm so sánh

Chữ ký số

Chứng thư số

Bản chất

Là một dạng chữ ký điện tử

Là một dạng chứng thư điện tử

Mục đích sử dụng

- Đảm bảo sự toàn vẹn của thông điệp dữ liệu

- Thay thế chữ ký tay của cá nhân hoặc con dấu của đơn vị, tổ chức.

- Cung cấp thông tin định danh từ đó xác nhận cơ quan, tổ chức, cá nhân là người ký chữ ký số

- Chứng nhận chữ ký số được tạo ra đúng theo quy định của pháp luật

Cấu tạo 

Gồm một cặp khóa thuộc hệ thống mật mã không đối xứng là:

- Khóa bí mật: dùng để tạo ra chữ ký số, được lưu trữ trong một thiết bị phần cứng chuyên dụng có thể là USB Token hoặc Smartcard.

- Khóa công khai: Dùng để thẩm định, kiểm tra chữ ký số và xác thực người dùng.

- Khóa công khai

- Thông tin của người dùng 

Cách thức tạo ra 

Biến đổi một thông điệp dữ liệu sử dụng hệ thống mật mã không đối xứng.

 

Nội dung

- Chuỗi thông tin đã được mã hóa

- Khóa công khai

- Khóa bí mật

Gồm 10 nội dung chính quy định tại Điều 5, Nghị định 130/2018/NĐ-CP 

Mối liên hệ giữa chữ ký số và chứng thư số

- Doanh nghiệp muốn tạo được chữ ký số thì trước tiên cần phải có chứng thư số.

- Được tạo ra trong thời gian chứng thư số có hiệu lực và có thể kiểm tra được bằng khóa công khai.

- Dùng xác nhận người ký: trong đó chứng thư số là cơ sở để đối tác có thể xác nhận việc ký số có đúng hay không thì chữ ký số đóng vai trò xác nhận thông tin văn bản.


Trên đây Thái Sơn cung cấp thông tin về chứng thư số là gì và cách phân biệt chứng thư số với chữ ký số. Người dùng lưu ý để đảm bảo việc sử dụng chứng thư số và chữ ký số đúng quy định tránh các rủi ro an toàn thông tin và rủi ro về pháp lý đối với các giao dịch điện tử.

Các tin tức liên quan:

Tin tức cùng chuyên mục