Hợp đồng dịch vụ và nghĩa vụ của các bên tham gia

Ngày đăng: 14:03 - 13/03/2023 Lượt xem: 6518 Cỡ chữ

   Trong thương mại, giao kết hợp đồng dịch vụ trở nên phổ biến nhằm bảo vệ lợi ích cho cả doanh nghiệp và khách hàng. Những thông tin được chia sẻ ngay sau đây sẽ giúp doanh nghiệp bạn đọc nắm rõ bản chất của hợp đồng dịch vụ và nghĩa vụ của các bên tham gia.

Hợp đồng dịch vụ và nghĩa vụ của các bên tham gia.

1. Hợp đồng dịch vụ là gì 

Căn cứ theo Điều 513, Bộ luật dân sự năm 2015 định nghĩa về hợp đồng dịch vụ như sau:

“Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ”

Như vậy, hợp đồng dịch vụ có thể hiểu là sự thỏa thuận giữa các bên trong đó một bên cung ứng dịch vụ và một bên sử dụng dịch vụ và có trả phí. Đối tượng của hợp đồng dịch vụ là công việc có thể thực hiện được, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

2. Nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng dịch vụ 

Khi giao kết hợp đồng dịch vụ các bên cần nắm được nghĩa vụ và quyền lợi của mình, bảo đảm không vi phạm hợp đồng dẫn đến bị phạt hoặc các rủi ro về tài chính khác.

2.1 Nghĩa của bên sử dụng dịch vụ khi giao kết hợp đồng dịch vụ

Căn cứ theo quy định tại Điều 515, Bộ luật dân sự 2015 nghĩa vụ của bên sử dụng dịch vụ gồm:

  • Cung cấp cho bên cung ứng dịch vụ thông tin, tài liệu và các phương tiện cần thiết để thực hiện công việc, nếu có thỏa thuận hoặc việc thực hiện công việc đòi hỏi.

  • Trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ theo thỏa thuận.

Các nghĩa vụ của bên sử dụng dịch vụ thường được ghi chi tiết và cụ thể trong nội dung của hợp đồng dịch vụ. Tùy thuộc vào từng đối tượng của hợp đồng mà các bên sẽ thỏa thuận nghĩa vụ khác nhau.

Nghĩa vụ cung cấp thông tin, tài liệu, các phương tiện để thực hiện công việc.

2.2 Nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ khi giao kết hợp đồng dịch vụ

Căn cứ theo quy định tại Điều 517, Bộ luật dân sự 2015 nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ gồm có:

  • Thực hiện công việc đúng chất lượng, số lượng, thời hạn, địa điểm và thỏa thuận khác.

  • Nếu không có sự đồng ý của bên sử dụng dịch vụ thì không được giao cho người khác thực hiện thay công việc.

  • Trong quá trình thực hiện nghĩa vụ phải bảo quản và phải giao lại cho bên sử dụng dịch vụ tài liệu và phương tiện được giao sau khi hoàn thành công việc.

  • Trường hợp thông tin, tài liệu không đầy đủ, phương tiện không bảo đảm chất lượng để hoàn thành công việc cần báo ngay cho bên sử dụng dịch vụ để bổ sung.

  • Bảo đảm giữ bí mật thông tin mà mình biết được trong thời gian thực hiện công việc, nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

  • Nếu làm mất, hư hỏng tài liệu, phương tiện được giao hoặc tiết lộ bí mật thông tin phải bồi thường thiệt hại cho bên sử dụng dịch vụ.

Đối với hợp đồng dịch vụ có giá trị lớn thông thường các bên sẽ có thỏa thuận về phạt hợp đồng nếu không hoàn thành nghĩa vụ, vi phạm hợp đồng. Bên cạnh đó còn có các điều khoản quy định bồi thường thiệt hại nếu có hoặc loại trừ trường hợp bất khả kháng xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng.

3. Quyền lợi của các bên khi giao kết hợp đồng dịch vụ

Bên cạnh các nghĩa vụ thì quyền lợi khi giao kết hợp đồng dịch vụ được đặc biệt quan tâm. Quyền lợi của các bên là mục đích cuối cùng để giao kết hợp đồng.

Căn cứ theo quy định tại Điều 516 và Điều 518 của Bộ luật dân sự 2015 quy định quyền của các bên như sau:

(1) Quyền của bên sử dụng dịch vụ

  • Yêu cầu bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc theo đúng chất lượng, số lượng, thời hạn, địa điểm và thỏa thuận khác.

  • Có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu bên cung ứng dịch vụ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ.

(2) Quyền của bên cung ứng dịch vụ

  • Yêu cầu bên sử dụng dịch vụ trả tiền dịch vụ.

  • Yêu cầu bên sử dụng dịch vụ cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện để thực hiện công việc.

  • Bên cung cấp dịch vụ được thay đổi điều kiện dịch vụ để bảo đảm lợi ích cho bên sử dụng dịch vụ mà không nhất thiết phải chờ ý kiến của bên sử dụng dịch vụ trong trường hợp việc chờ ý kiến sẽ gây thiệt hại cho bên sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên, bên cung cấp dịch vụ nhưng phải báo ngay cho bên sử dụng dịch vụ được biết.

Trên đây là thông tin về hợp đồng dịch vụ và nghĩa vụ của các bên doanh nghiệp, đơn vị và cá nhân khi giao kết hợp đồng cần nắm được. Trong xu hướng phát triển vượt bậc của công nghệ, hình thức giao kết hợp đồng dịch vụ điện tử trở nên phổ biến, giúp các bên tiết kiệm thời gian và dễ dàng quản lý, nắm bắt thông tin. 

Các tin tức liên quan:

Tin tức cùng chuyên mục