Quyền lợi khám chữa bệnh BHYT năm 2021: Nhiều lợi ích mới cho người tham gia BHYT

Ngày đăng: 08:52 - 04/10/2021 Lượt xem: 20186 Cỡ chữ

   Năm 2021 được coi là “dấu mốc” quan trọng khi nhiều quyền lợi khám chữa bệnh BHYT sẽ được điều chỉnh, bổ sung. Chính sách thông tuyến tỉnh BHYT, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình, nhiều người được cấp thẻ BHYT miễn phí,... Cụ thể, các chính sách quan trọng về BHYT sẽ được cập nhật trong bài viết dưới đây.

 

bảo hiểm y tế 3
Quyền lợi khám chữa bệnh BHYT năm 2021.

1. Thông tuyến BHYT cấp tỉnh - Nhiều đối tượng được hưởng 100% chi phí KCB nội trú

Căn cứ theo Khoản 15, Điều 1, Luật số 46/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, từ năm 2021, người có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh trái tuyến tại bệnh viện tuyến tỉnh sẽ được Quỹ BHYT thanh toán theo mức hưởng được quy định tại Khoản 1, Điều 22, Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 như sau:

  • 100% chi phí điều trị nội trú nếu người tham gia BHYT tự ý đi khám, chữa bệnh tại các cơ sở KCB tuyến tỉnh trên cả nước đối với các đối tượng: công an, quân đội, đối tượng có công với cách mạng, cựu chiến binh, trẻ em dưới 6 tuổi, đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, thuộc vùng dân tộc thiểu số, người có chi phí KCB một lần nhỏ hơn 15%  lương cơ sở.

  • 100% chi phí điều trị nội trú đối với người tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên, có tổng số tiền chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở.

  • 100% chi phí điều trị nội trú đối với đối tượng đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.

  • 95% chi phí điều trị nội trú đối với thân nhân người có công với cách mạng đi khám BHYT trái tuyến.

  • 80% đối với các đối tượng có thẻ BHYT còn lại.

bảo hiểm y tế 1

Nhiều đối tượng được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh.

2. Mở rộng đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình

Quy định về đối tượng khám, chữa bệnh BHYT hộ gia đình được nêu cụ thể tại Khoản 7, Điều 2, Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 (sửa đổi năm 2014):

“Hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế (sau đây gọi chung là hộ gia đình) bao gồm toàn bộ người có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú.”

Tuy nhiên, từ ngày 1/7/2021, theo Khoản 2, Điều 7, Luật Cư trú năm 2020, quy định về hộ gia đình tham gia BHYT là những người cùng đăng ký thường trú hoặc cùng đăng ký tạm trú tại một chỗ ở hợp pháp theo quy định của pháp luật về cư trú.

Với việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình theo Luật Cư trú năm 2020, quyền lợi khi khám, chữa bệnh BHYT hộ gia đình sẽ thuận lợi hơn, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tốt hơn.

3. Bổ sung đối tượng được cấp thẻ BHYT miễn phí

Theo Điều 9, Nghị định 20/2021/NĐ-CP được ban hành 15/3/2021, nhiều đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng được bổ sung. 8 đối tượng được cấp thẻ BHYT miễn phí quy định tại Khoản 5, Nghị định 20/2021/NĐ-CP gồm:

  • Trẻ em dưới 6 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng.

  • Trẻ em không có nguồn nuôi dưỡng, đủ 16 tuổi và đang theo học văn hóa, học nghề, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất tiếp tục được hưởng chính sách trợ giúp xã hội cho đến khi kết thúc học, nhưng tối đa không quá 22 tuổi.

  • Trẻ em thuộc hộ nghèo bị nhiễm HIV/AIDS.

  • Đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo chưa có vợ hoặc hồng, hoặc đã có vợ/chồng nhưng vợ/chồng chết hoặc mất tích, đang nuôi con dưới 16 tuổi hoặc đang nuôi con 16-22 tuổi đi học văn hóa, học nghề, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất.

  • Người cao tuổi đặc biệt thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo sống ở nơi có điều kiện khó khăn, không có lương hưu, trợ cấp hàng tháng, không có người phụ dưỡng theo quy định của pháp luật,...

  • Người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng theo quy định pháp luật về người khuyết tật.

  • Người bị nhiễm HIV/AIDS thuộc diện hộ nghèo, không có thu nhập ổn định hàng tháng bằng tiền lương, tiền công, lương hưu, trợ cấp xã hội, trợ cấp BHXH,...

bảo hiểm y tế

Bổ sung đối tượng được cấp thẻ BHYT miễn phí.

4. Thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT theo định suất

Ngày 29/4/2021, Bộ Y tế ban hành Thông tư 04/2021/TT-BYT hướng dẫn việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT theo định suất. Theo đó, bệnh nhân khám, chữa bệnh BHYT sẽ được thanh toán theo mức hưởng trong phạm vi của quỹ định suất.

Trong đó, quỹ định suất được xác định bằng số tiền đã ấn định trước, giao cho cơ sở khám, chữa bệnh BHYT để khám, chữa bệnh cho người tham gia BHYT trong phạm vi định suất, trong một khoảng thời gian nhất định. Phạm vi định suất được hướng dẫn tùy theo cơ sở khám, chữa bệnh là tuyến tỉnh, trung ương hay tuyến huyện.

bảo hiểm y tế 3

Thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT theo định suất.

Hướng dẫn thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT theo định suất xem tại: https://ebh.vn/bao-hiem-y-te/tu-1-7-2021-chinh-sach-moi-ve-bhyt-co-hieu-luc

5. Phụ nữ mang thai khi xét nghiệm HIV được hưởng BHYT

Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) có hiệu lực từ 1/7/2021, phụ nữ mang thai khi xét nghiệm HIV theo chỉ định chuyên môn được quỹ BHYT, ngân sách nhà nước chi trả chi phí xét nghiệm như sau:

  • Quỹ BHYT: chi trả theo mức hưởng quy định của pháp luật về BHYT.

  • Ngân sách Nhà nước sẽ chi trả phần còn lại mà Quỹ BHYT không chi trả và chi trả cho người không có thẻ BHYT theo mức giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT.

Trên đây là 5 quyền lợi khám chữa bệnh BHYT năm 2021 đáng chú ý. Có thể thấy, với sự điều chỉnh, cập nhật kịp thời các chính sách BHYT mới, người tham gia BHYT được hưởng nhiều quyền lợi hơn khi khám, chữa bệnh. Điều này cho thấy sự quan tâm của Nhà nước đối với vấn đề chăm sóc sức khỏe toàn dân, hỗ trợ đáng kể về chi phí điều trị cho người bệnh khi khám, chữa bệnh BHYT.

Xem thêm :

Tin tức cùng chuyên mục