Trường hợp người lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

Ngày đăng: 09:53 - 07/12/2021 Lượt xem: 55529 Cỡ chữ

Bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp người lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, cụ thể đó là các trường hợp nào?.

bảo hiểm xã hội 1

Người lao động ký kết hợp đồng lao động dưới 1 tháng không phải đóng BHXH bắt buộc.

1. Quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc 

Căn cứ theo Khoản 1 và Khoản 2 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội 2014 và Khoản 1, Điều 2, Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về BHXH bắt buộc nêu rõ đối tượng người lao động tham gia BHXH bắt buộc gồm:

“1. Người lao động là công dân Việt Nam tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Nghị định này, bao gồm:

a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;

c) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và viên chức;

d) Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;

đ) Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;

e) Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn;

g) Người hưởng chế độ phu nhân hoặc phu quân tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài quy định tại Khoản 4 Điều 123 của Luật Bảo hiểm xã hội.

Như vậy, các đối tượng nêu trên thuộc đối tượng phải đóng BHXH bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội. Người lao động là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng quy định phải đóng BHXH bắt buộc thì được tham gia BHXH tự nguyện theo quy định.

2. Các trường hợp không phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc 

Bên cạnh các trường hợp không phải đóng BHXH bắt buộc thì nhiều trường hợp không phải đóng BHXH bắt buộc. Cụ thể các trường hợp không thuộc đối tượng quy định tại  Khoản 1, Điều 2, Nghị định số 115/2015/NĐ-CP điển hình sau:

bảo hiểm xã hội 2

Người lao động bán thời gian có mức lương dưới mức lương tối thiểu vùng không phải đóng BHXH bắt buộc.

  • Trường hợp người lao động ký hợp đồng lao động dưới 01 tháng;

  • Người lao động ký hợp đồng thử việc;

  • Người lao động nghỉ việc không hưởng lương trên 14 ngày mà không phải là do ốm đau, thai sản theo quy định;

  • Người lao động giao kết hợp đồng bằng miệng;

  • Người lao động bán thời gian có mức lương làm việc dưới mức lương tối thiểu vùng.

Tham gia BHXH bắt buộc mang đến rất nhiều lợi ích cho người lao động. Với mức đóng BHXH thấp, người lao động được hưởng các chế độ như hưu trí, thai sản, chế độ ốm đau, chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hay chế độ tử tuất. 

Trong trường hợp người lao động không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc có thể đăng ký tham gia BHXH tự nguyện. Theo đó, người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất. Khi tham gia BHXH tự nguyện người lao động có cơ hội nhận lương hưu khi về già và được cấp thẻ BHYT miễn phí.

Trên đây là những thông tin về các trường hợp không phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Người lao động và người sử dụng lao động lưu ý để thực hiện đúng quy định đồng thời có thể chủ động trong việc tham gia BHXH tự nguyện.

>>> Tin liên quan:  Bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động 2021

Tin tức cùng chuyên mục