Đình chỉ hợp đồng là gì? Hậu quả pháp lý của việc đình chỉ hợp đồng

Ngày đăng: 10:25 - 24/03/2025 Lượt xem: 1962 Cỡ chữ

Hậu quả pháp lý của đình chỉ hợp đồng như thế nào? Đình chỉ hợp đồng hay hủy bỏ hợp đồng là một trong những chế tài nghiêm khắc được áp dụng đối với những vấn đề vi phạm của hợp đồng. Khi giao kết hợp đồng, nắm được các chế tài này cũng là điều quan trọng để đảm bảo quyền lợi.

1. Đình chỉ hợp đồng là gì?

dinh chi hop dong 1

Khái niệm đình chỉ hợp đồng.

Căn cứ theo Điều 292, Luật Thương mại năm 2005 quy định các loại chế tài trong thương mại bao gồm:

  • Buộc thực hiện đúng thỏa thuận trong hợp đồng.
  • Phạt vi phạm hợp đồng.
  • Buộc bồi thường thiệt hại.
  • Tạm ngừng thực hiện hợp đồng.
  • Đình chỉ thực hiện hợp đồng.
  • Hủy bỏ hợp đồng.
  • Một số biện pháp khác do các bên tham gia hợp đồng thỏa thuận nhưng không được trái pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Như vậy, đình chỉ hợp đồng thương mại là một trong những loại chế tài thương mại, được hiểu là một bên chấm dứt thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng. Khi hợp đồng thương mại bị đình chỉ thì hợp đồng chấm dứt hiệu lực kể từ thời điểm có thông báo đình chỉ.

2. Những trường hợp đình chỉ hợp đồng

dinh chi hop dong 2

Một trong những lý do dẫn đến đình chỉ hợp đồng.

Căn cứ theo Điều 310, Luật Thương mại năm 2005, chế tài đình chỉ hợp đồng thương mại được quy định như sau:

Trừ các trường hợp có quy định miễn trừ trách nhiệm tại Điều 294 của Luật này, chế tài đình chỉ hợp đồng là một bên chấm dứt việc thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thỏa thuận là điều kiện đình chỉ hợp đồng.
  • Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng.

Theo quy định này, các trường hợp áp dụng đình chỉ hợp đồng bao gồm:

  • Xảy ra các hành vi vi phạm mà các bên đã thỏa thuận là điều kiện để áp dụng đình chỉ hợp đồng.
  • Một trong các bên vi phạm nghĩa vụ cơ bản trong hợp đồng.

Các trường hợp được miễn trừ trách nhiệm, không áp dụng đình chỉ hợp đồng:

  • Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thỏa thuận.
  • Trường hợp lý do bất khả kháng.
  • Hành vi vi phạm của một bên do lỗi của bên kia.
  • Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không được biết vào thời gian giao kết hợp đồng.

3. Hậu quả pháp lý của việc đình chỉ hợp đồng

dinh chi hop dong 3

Hậu quả pháp lý của đình chỉ hợp đồng.

Các vấn đề pháp lý xoay quanh hậu quả pháp lý của đình chỉ hợp đồng, bồi thường thiệt hại được quy định khá đầy đủ, chi tiết tại Luật Thương mại năm 2005.

3.1 Hậu quả pháp lý của việc đình chỉ hợp đồng

Theo Điều 311, Luật Thương mại năm 2005, hậu quả pháp lý của đình chỉ thực hiện hợp đồng như sau:
Khi hợp đồng bị đình chỉ thực hiện đồng nghĩa với việc hợp đồng bị chấm dứt hiệu lực tính từ thời điểm nhận được thông báo đình chỉ. Các bên sẽ không tiếp tục thực hiện nghĩa vụ hợp đồng. Đồng thời, bên đã thực hiện nghĩa vụ có yêu cầu bên kia thanh toán hoặc thực hiện nghĩa vụ đối ứng.

Bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

3.2 Bồi thường thiệt hại khi đình chỉ hợp đồng

Bồi thường thiệt hại là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất gây ra cho bên bị vi phạm vì hành vi vi phạm hợp đồng.

Giá trị bồi thường thiệt hại sẽ được tính trên cơ sở 2 yếu tố: 

  • Giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra.
  • Khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không xảy ra hành vi vi phạm.

3.3 Nghĩa vụ thông báo khi đình chỉ hợp đồng

Bên đình chỉ hợp đồng có nghĩa vụ phải thông báo cho bên còn lại được biết về việc đình chỉ thực hiện hợp đồng. Trường hợp vì lý do không thông báo mà gây thiệt hại, tổn thất cho bên kia thì bên đình chỉ hợp đồng phải bồi thường thiệt hại.

4. Đơn phương đình chỉ hợp đồng

Vấn đề đơn phương đình chỉ hợp đồng thường chỉ áp dụng đối với hợp đồng bảo hiểm. Cụ thể, theo Điều 35, Luật kinh doanh bảo hiểm có quy định về việc đóng phí bảo hiểm như sau:
Bên mua bảo hiểm có thể lựa chọn đóng phí bảo hiểm theo hình thức một lần hoặc nhiều lần tùy theo thời hạn và phương thức đã thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm. 

Trong trường hợp đóng phí bảo hiểm nhiều lần, bên mua đã đóng một hoặc một số lần nhưng không thể đóng được các khoản phí bảo hiểm tiếp theo thì sau thời hạn 60 ngày kể từ ngày gia hạn đóng phí, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ hợp đồng. Bên mua bảo hiểm không có quyền đòi lại khoản phí bảo hiểm đã đóng nếu thời gian đóng dưới 2 năm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác của hai bên.

Trường hợp bên mua đã đóng phí bảo hiểm 2 năm trở lên mà doanh nghiệp bảo hiểm vẫn đình chỉ hợp đồng thì doanh nghiệp bảo hiểm phải hoàn trả giá trị còn lại của hợp đồng bảo hiểm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác của hai bên.

Mặt khác, các bên có thể thỏa thuận khôi phục hiệu lực hợp đồng bảo hiểm đã bị đơn phương đình chỉ trong thời hạn 2 năm, kể từ ngày bị đình chỉ và bên mua bảo hiểm đã đóng số phí bảo hiểm còn thiếu.

Trên đây ThaisonSoft cung cấp một số thông tin về đình chỉ hợp đồng, hậu quả pháp lý của việc đình chỉ hợp đồng. Khi tham gia giao kết hợp đồng, bạn cần nắm được các trường hợp đình chỉ, hậu quả pháp lý và vấn đề bồi thường để đảm bảo quyền lợi và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng.

Dương Thúy

Các tin tức liên quan:

Tin tức cùng chuyên mục