Hợp đồng chính và hợp đồng phụ là gì, có mối quan hệ như thế nào?

Ngày đăng: 10:11 - 22/01/2025 Lượt xem: 1273 Cỡ chữ

   Hợp đồng chính và hợp đồng phụ là gì, khác nhau ở điểm gì và mối quan hệ như thế nào? Hợp đồng không chỉ là giao kết đơn thuần mà còn là căn cứ quan trọng xác lập và thực hiện quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý giữa các bên. Trong đó, hợp đồng chính và hợp đồng phụ vẫn là khái niệm nhiều người chưa nắm rõ. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin cụ thể nhất để bạn phân biệt được hai loại hợp đồng này.

1. Khái niệm hợp đồng chính và hợp đồng phụ

Khái niệm hợp đồng chính và hợp đồng phụ.

Căn cứ theo Điều 402, Bộ Luật Dân sự năm 2015: 

  • Hợp đồng chính là hợp đồng mà hiệu lực không phụ thuộc vào hợp đồng phụ.
  • Hợp đồng phụ là hợp đồng mà hiệu lực bị phụ thuộc vào hợp đồng chính.

Mặt khác, theo Điều 407, Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định về hợp đồng vô hiệu:

“Hợp đồng vô hiệu

1. Quy định về giao dịch dân sự vô hiệu từ Điều 123 đến Điều 133 của Bộ luật này cũng được áp dụng đối với hợp đồng vô hiệu.

2. Sự vô hiệu của hợp đồng chính làm chấm dứt hợp đồng phụ, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận hợp đồng phụ được thay thế hợp đồng chính. Quy định này không áp dụng đối với biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

3. Sự vô hiệu của hợp đồng phụ không làm chấm dứt hợp đồng chính, trừ trường hợp các bên thỏa thuận hợp đồng phụ là một phần không thể tách rời của hợp đồng chính.”

Theo quy định trên, hợp đồng phụ là hợp đồng mà hiệu lực phụ thuộc vào hợp đồng chính. Đồng thời, tính vô hiệu của hợp đồng chính sẽ làm chấm dứt hiệu lực hợp đồng phụ, trừ các trường hợp các bên có thỏa thuận hợp đồng phụ thay thế hợp đồng chính.

2. So sánh hợp đồng chính và hợp đồng phụ

So sánh hợp đồng chính và hợp đồng phụ.

Để so sánh, phân biệt hợp đồng chính và hợp đồng phụ, bạn có thể căn cứ trên một số tiêu chí sau:

 

Tiêu chí

Hợp đồng chính

Hợp đồng phụ

Nội dung

Bao gồm những nội dung quan trọng mang tính “cốt lõi”: Đối tượng, hình thức thanh toán, đơn giá, hiệu lực, quy định giải quyết tranh chấp,...

Thường gồm những thông tin có thể thay đổi, điều chỉnh mà không ảnh hưởng đến tính pháp lý của hợp đồng chính như thời gian, địa điểm, số lượng, quy cách đóng gói, phương thức thực hiện hợp đồng,...

Hình thức hợp đồng

Giao kết bằng văn bản, lời nói hoặc hợp đồng điện tử. Tuy nhiên, một số trường hợp sẽ bắt buộc phải giao kết bằng văn bản theo quy định của pháp luật.

Giao kết bằng văn bản, lời nói hoặc hợp đồng điện tử. 

Hiệu lực hợp đồng

- Có giá trị hiệu lực tính từ thời điểm giao kết trừ các trường hợp khác pháp luật có quy định hoặc các bên có thỏa thuận.

Có thể bị vô hiệu hóa do vi phạm điều kiện về giá trị hợp đồng.

3. Mối liên hệ giữa hợp đồng chính và hợp đồng phụ

Mối liên hệ giữa hợp đồng chính & Hợp đồng phụ căn cứ theo tính vô hiệu.

Mối liên hệ giữa hai loại hợp đồng này được xác định căn cứ theo tính vô hiệu của từng hợp đồng và tác động đối với hợp đồng còn lại.

Hợp đồng chính vô hiệu thì hợp đồng phụ có bị vô hiệu không?

Như đã phân tích ở Mục 1, hợp đồng chính được định nghĩa là hợp đồng có hiệu lực mang tính độc lập và quyết định, không bị phụ thuộc vào hợp đồng phụ.

Theo Điều 407, Bộ Luật Dân sự năm 2015, sự vô hiệu của hợp đồng chính làm chấm dứt hợp đồng phụ, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận hợp đồng phụ được phép thay hợp đồng chính. Lưu ý: Quy định này không áp dụng đối với các biện pháp đảm bảo thực hiện nghĩa vụ.

Hợp đồng phụ vô hiệu thì hợp đồng chính có bị vô hiệu không?

Cũng theo Điều 407, Bộ Luật Dân sự năm 2015, sự vô hiệu của hợp đồng phụ không làm chấm dứt hợp đồng chính, trừ các trường hợp các bên có thỏa thuận hợp đồng phụ là một phần không thể tách rời của hợp đồng chính.

Như vậy, mối liên hệ giữa hợp đồng chính và hợp đồng phụ là hợp đồng phụ có hiệu lực phụ thuộc vào hợp đồng chính. Hợp đồng chính vô hiệu dẫn tới làm chấm dứt hợp đồng phụ, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận hợp đồng phụ được thay thế hợp đồng chính. 

Tuy nhiên, quy định này không áp dụng đối với đối với trường hợp quan hệ giữa hợp đồng có nghĩa vụ được bảo đảm, biện pháp bảo đảm sẽ áp dụng theo quy định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

4. Hợp đồng lao động có được ký kèm hợp đồng phụ không?

Theo Điều 20, Bộ Luật Lao động năm 2019:
“Loại hợp đồng lao động

1. Hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong các loại sau đây:

a) Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng;

b) Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.”

Quy định tại Bộ Luật Lao động năm 2019 không có quy định được phép ký hợp đồng lao động đi kèm hợp đồng phụ. Tuy nhiên, người sử dụng lao động có thể sử dụng phụ lục hợp đồng để ký với người lao động theo Điều 22 của Bộ Luật Lao động năm 2019.

Trên đây Thái Sơn đã cung cấp khái niệm hợp đồng chính và hợp đồng phụ. Hai loại hợp đồng này khác nhau về nội dung nhưng có mối liên hệ về tính hiệu lực nên khi sử dụng, bạn cần lưu ý để phác thảo, ký kết hợp đồng đúng quy định.

 

Các tin tức liên quan:

Tin tức cùng chuyên mục