Hợp đồng nguyên tắc - Khái niệm, đặc điểm và phân loại

Ngày đăng: 10:40 - 24/05/2023 Lượt xem: 27510 Cỡ chữ

Hợp đồng nguyên tắc là dạng hợp đồng khá phổ biến trên thực tế nhưng lại không được quy định trong bất kỳ văn bản pháp luật cụ thể nào, gây ra sự nhầm lẫn trong quá trình áp dụng và phát sinh những hậu quả tai hại cho doanh nghiệp. Vì vậy, bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin về hợp đồng nguyên tắc về khái niệm, đặc điểm cũng như phân loại hợp đồng này.

1. Tổng quan về hợp đồng nguyên tắc

Hợp đồng nguyên tắc định hướng, làm nền tảng cho hợp đồng chính.

1.1. Hợp đồng nguyên tắc là gì?

Trước hết, cần tìm hiểu thuật ngữ “nguyên tắc” trong lĩnh vực pháp lý là gì? Nguyên tắc của mỗi ngành luật là những tư tưởng chỉ đạo, xuyên suốt trong quá trình xây dựng và áp dụng của ngành luật đó.

Có thể hiểu “Hợp đồng nguyên tắc là sự thỏa thuận giữa các bên nhằm xác lập những tư tưởng chỉ đạo, xuyên suốt về việc xác lập, thay đổi, chấm dứt các quyền và nghĩa vụ phát sinh giữa các bên trong quá trình thực hiện một giao dịch cụ thể”.

1.2. Đặc điểm của hợp đồng nguyên tắc

Hợp đồng nguyên tắc có những đặc điểm nổi bật sau:

Thứ nhất, bản thân hợp đồng nguyên tắc chưa làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt các quyền và nghĩa vụ cụ thể, mà chỉ là đưa ra các tư tưởng chỉ đạo, xuyên suốt.

Ví dụ: Bên A và Bên B ký kết hợp đồng nguyên tắc để xác nhận rằng, Bên A sẽ mua hàng của Bên B với số lượng tối thiểu là 1 tấn mỗi tháng, và thời gian là 10 năm kể từ ngày ký hợp đồng; và Bên A đồng ý trả cho Bên B tiền mua hàng theo đơn giá là 500.000đ mỗi tấn trong năm đầu tiên, và từ năm thứ hai trở đi, đơn giá sẽ điều chỉnh theo giá thị trường nhưng biên độ dao động không quá 10% năm.

Thứ hai, Hợp đồng nguyên tắc là một dạng hợp đồng cụ thể của hợp đồng dân sự, nên cũng phải tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc cơ bản của hợp đồng dân sự, bao gồm: 

  • Nguyên tắc bình đẳng;

  • Nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận;

  • Nguyên tắc thiện chí, trung thực;

  • Nguyên tắc không được xâm phạm đến lợi ích của Quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác;

  • Nguyên tắc tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

Thứ ba, Hợp đồng nguyên tắc không tồn tại độc lập và một mình. Tức là các bên không thể chỉ ký một hợp đồng nguyên tắc để xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ, mà còn cần phải có thêm những thỏa thuận khác có tính chi tiết hơn, cụ thể hơn.

2. Phân loại hợp đồng nguyên tắc

Cách phân loại hợp đồng nguyên tắc phổ biến.

Có hai dạng hợp đồng nguyên tắc:

(1) Hợp đồng nguyên tắc quy định tương đối chi tiết các vấn đề căn bản, có tính nguyên tắc về một giao dịch cụ thể (ví dụ: mua bán hàng hóa), sau đó thiết kế bổ sung một phụ lục (vd: PO) để làm hợp đồng cụ thể cho mỗi đơn hàng hoặc mỗi công việc cụ thể; 

(2) Hợp đồng nguyên tắc chỉ quy định một số vấn đề có tính định hướng và khái quát nhằm xác định ý chí của mỗi bên tham gia vào giao dịch, sau đó các bên sẽ ký kết chính thức một hợp đồng đầy đủ, cụ thể và chi tiết để xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ cụ thể.

Thường phù hợp với giao dịch lớn, quan trọng nhưng chỉ thực hiện một lần, khi các bên cần có sự ghi nhớ lẫn nhau về ý chí và nguyện vọng tham gia, nhưng tại thời điểm ký kết hợp đồng nguyên tắc chưa có đủ điều kiện để soạn thảo và ký kết một bản hợp đồng chính thức. Trong trường hợp này, hợp đồng nguyên tắc gần giống với một bản thỏa thuận ghi nhớ.

Trên đây là những thông tin về hợp đồng nguyên tắc. Ngoài ra, để được tư vấn thêm về phần mềm hợp đồng điện tử iContract, vui lòng liên hệ:

CÔNG TY PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ THÁI SƠN

  • Địa chỉ: Số 15 Đặng Thùy Trâm – Cầu Giấy – Hà Nội

  • Tổng đài HTKH: 1900 4767 – 1900 4768

  • Tel : 024.37545222

  • Fax: 024.37545223

  • Website: https://icontract.com.vn/

Các tin tức liên quan:

Tin tức cùng chuyên mục